Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
TỔNG HỢP TIẾP NHẬN VÀ TRẢ LỜI KIẾN NGHỊ CỦA CÁC BỘ, NGÀNH, ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA BỘ TƯ PHÁP 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2019
Lượt xem: 5599

LĨNH VỰC XÂY DỰNG, THẨM ĐỊNH VĂN BẢN QUY PHẠM  PHÁP LUẬT VÀ CÔNG TÁC PHÁP CHẾ

1. Đề nghị Bộ Tư pháp tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu các nội dung về công tác soạn thảo, thẩm định văn bản QPPL; kỹ năng xây dựng chính sách, phân tích chính sách; báo cáo đánh giá tác động chính sách; nghiệp vụ thẩm định, kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật tại các địa phương (UBND các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang)

Trả lời:

Sau khi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, Bộ Tư pháp đã triển khai tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu các nội dung về công tác soạn thảo, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật; kỹ năng xây dựng chính sách, phân tích chính sách; báo cáo đánh giá tác động chính sách cho cán bộ pháp chế và cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.

Riêng đối với các nội dung liên quan đến quy trình xây dựng, phân tích, đánh giá tác động và thông qua chính sách, từ thời điểm Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 có hiệu lực thi hành (ngày 01/7/2016) đến hết năm 2018, Bộ Tư pháp đã chủ trì tổ chức 07 lớp tập huấn, tọa đàm về các nội dung có liên quan đến quy trình chính sách[1].

Trong năm 2019, Bộ Tư pháp xây dựng kế hoạch để tổ chức 03 tọa đàm về các nội dung có liên quan như: trao đổi, giải đáp vướng mắc về lập đề nghị xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; trao đổi, giải đáp vướng mắc về lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị định theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định 34/2016/NĐ-CP; các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động đánh giá tác động của chính sách cho các Bộ, ngành.

Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch để tổ chức các lớp tập huấn liên quan đến công tác xây dựng pháp luật, nhất là sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 được thông qua, nhằm nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ lập đề nghị xây dựng văn bản cho các cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật của các Bộ, ngành, địa phương.

2. Đề nghị Bộ Tư pháp tham mưu, sửa đổi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong đó bổ sung quy định chi tiết về ban hành văn bản quy phạm theo trình tự rút gọn, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc ban hành văn bản trái pháp luật, gây hậu quả và rút ngắn thời gian công khai lấy ý kiến đối với văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương (UBND tỉnh Đồng Nai, Long An)

Trả lời:

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 57/2018/QH14 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, theo đó, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (Luật năm 2015) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019) và trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 6/2020).

Hiện nay, Bộ Tư pháp đang tiến hành nghiên cứu, soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật năm 2015 và sẽ trình Chính phủ trong tháng 7/2019. Trong đó, Bộ Tư pháp đã nghiên cứu theo hướng bổ sung một số trường hợp được xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn để phù hợp hơn với thực tiễn thi hành. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu để có quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc ban hành văn bản trái pháp luật, gây hậu quả; nghiên cứu để rút ngắn thời gian công khai lấy ý kiến đối với văn bản quy phạm pháp luật tại địa phương.

3. Việc áp dụng quy định “Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực” còn khó khăn, vướng mắc. Thực tế thời gian qua các cơ quan Trung ương (như Chính phủ, các Bộ) ban hành văn bản hướng dẫn thường rất chậm, không đảm bảo quy định nói trên hoặc sát thời điểm văn bản luật có hiệu lực mới ban hành văn bản quy định chi tiết (trong khi đó lại có nội dung giao tiếp về cho HĐND, UBND tỉnh quy định hướng dẫn làm cho địa phương lúng túng trong ban hành văn bản). Nếu áp dụng đúng như quy định nói trên thì thường xuyên có tình trạng có những khoảng thời gian không có văn bản để quản lý. Đề xuất sửa đổi quy định này cho phù hợp (áp dụng như quy định cũ tại Điều 81 Luật năm 2008), để một văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu luật cần phải có quy định rõ ràng, cụ thể (bị thay thế, sửa đổi, bổ sung hay bãi bỏ bằng một văn bản khác).

Một số văn bản dưới luật giao hoặc qua thực tế tại địa phương phát sinh một số nội dung cần quy định thủ tục hành chính để triển khai thực hiện các quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của địa phương. Trong trường hợp này nếu địa phương không quy định thủ tục để tổ chức, cá nhân nhận được mức hỗ trợ sẽ dẫn đến việc tùy tiện trong thực hiện, không đảm bảo tính công khai, minh bạch; đồng thời có một số cơ quan tự quy định về mẫu đơn, tờ khai và trình tự thủ tục để hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện gây khó khăn, phiền hà cho các tổ chức, cá nhân. Còn nếu quy định thủ tục hành chính trong văn bản quy phạm pháp luật của HĐNĐ tỉnh, UBND tỉnh thì lại trái Luật (chỉ cho phép quy định trong trường hợp được luật giao). Đề nghị Bộ Tư pháp sửa đổi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hướng mở rộng thẩm quyền ban hành thủ tục hành chính về cho địa phương (UBND tỉnh Bến Tre)

Trả lời:

- Để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong việc soạn thảo, ban hành văn bản quy định chi tiết, qua đó từng bước khắc phục tình trạng “nợ, đọng” ban hành văn bản quy định chi tiết, thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (Luật năm 2015) bổ sung quy định: Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực”.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những vấn đề mà địa phương đã nêu, để có giải pháp cho vấn đề này, Bộ Tư pháp đã hướng dẫn, giải đáp trực tiếp tại các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu và tại các buổi kiểm tra về tình hình thi hành Luật năm 2015, nhằm có cách hiểu thống nhất quy định tại khoản 4 Điều 154. Theo đó: Luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng có các quy định bảo đảm cách hiểu thống nhất khoản 4 Điều 154, cụ thể như sau:

Thứ nhất, về việc xác định văn bản quy định chi tiết hết hiệu lực: đã được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 11 của Luật năm 2015. Đồng thời, khoản 2 Điều 38 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP đã hướng dẫn chi tiết việc xác định các trường hợp văn bản quy định chi tiết thi hành hết hiệu lực.

Thứ hai, về trách nhiệm lập, công bố danh mục các văn bản quy định chi tiết hết hiệu lực: khoản 3, 4 và 5 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo VBQPPL hết hiệu lực theo quy định tại khoản 4 Điều 154, cơ quan ban hành văn bản quy định chi tiết hết hiệu lực và Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm lập, công bố danh mục văn bản quy định chi tiết theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền công bố danh mục văn bản quy định chi tiết thi hành hết hiệu lực theo quy định tại khoản 4 Điều 154 trước ngày các văn bản đó hết hiệu lực.

Vì vậy, những khó khăn, vướng mắc trong thực thi quy định tại khoản 4 Điều 154 không hoàn toàn là do quy định của Luật và Nghị định mà còn xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác. Do vậy, Bộ Tư pháp thấy rằng cần có thêm thời gian để các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các quy định này. Cùng với đó, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của Bộ, ngành, địa phương liên quan đến quy định tại khoản 4 Điều 154 của Luật nhằm đánh giá đầy đủ, nghiên cứu thấu đáo cả về lý luận và thực tiễn trước khi đề xuất việc sửa đổi, bổ sung quy định này.

Trong thời gian tới, để khắc phục triệt để những hạn chế, vướng mắc trong việc thực hiện quy định tại khoản 4 Điều 154 nêu trên, Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm và có hiệu quả các quy định của Luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP liên quan đến trách nhiệm soạn thảo, ban hành văn bản quy định chi tiết, trách nhiệm rà soát, lập, công bố danh mục văn bản quy định chi tiết thi hành hết hiệu lực.

- Về vấn đề một số văn bản dưới luật giao hoặc qua thực tế tại địa phương phát sinh một số nội dung cần quy định TTHC để triển khai thực hiện các quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của địa phương:

Khoản 4 Điều 14 Luật năm 2015 nghiêm cấm quy định thủ tục hành chính trong văn bản quy phạm pháp luật của địa phương, trừ trường hợp được giao trong luật. Đối với vấn đề nêu trên, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 4218/BTP-VĐCXDPL ngày 28/11/2016 về việc trả lời về một số quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP. Trong đó đã hướng dẫn các trường hợp được quy định thủ tục hành chính trong văn bản quy phạm pháp luật của địa phương. Theo đó, văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương chỉ được quy định thủ tục hành chính, khi được giao trong luật, không phải được giao trong các văn bản dưới luật và phải được giao một cách trực tiếp trong luật, không phải suy luận từ chức năng quản lý nhà nước của các cơ quan. Ngoài ra, một số luật được ban hành trước ngày Luật năm 2015 có hiệu lực giao quy định chi tiết thi hành một hoặc một số nội dung cụ thể, mà không trực tiếp giao quy định thủ tục hành chính, trong khi đó, để thực hiện nhiệm vụ được giao, cần phải quy định thủ tục hành chính. Do vậy, để thực hiện nhiệm vụ đã được giao trong các luật ban hành trước ngày 01/7/2016, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của địa phương thì địa phương có thể quy định thủ tục hành chính trong trường hợp luật giao quy định chi tiết nội dung cụ thể của luật mà phát sinh thủ tục hành chính.

Hiện nay, Bộ Tư pháp giúp Chính phủ xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dự kiến hướng sửa đổi, bổ sung 02 điều (Điều 14 và Điều 172) của Luật năm 2015, cụ thể là:

- Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 14 (Các hành vi bị nghiêm cấm), theo đó bổ sung trường hợp ngoại lệ cho phép địa phương được quy định thủ tục hành chính trong trường hợp cần thiết phải quy định thủ tục hành chính trong nghị quyết của HĐND cấp tỉnh quy định tại khoản 4 Điều 27 của Luật.

- Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 172 (Hiệu lực thi hành) để quy định về sửa đổi, bổ sung các quy định về thủ tục hành chính đã ban hành trước ngày Luật năm 2015 có hiệu lực theo hướng cho phép sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có quy định thủ tục hành chính được ban hành trước ngày 01 tháng 7 năm 2016 với điều kiện không được làm phát sinh thủ tục hành chính mới hoặc quy định thêm thành phần hồ sơ, yêu cầu, điều kiện, tăng thời gian giải quyết thủ tục hành chính đang áp dụng.

4. Đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham mưu ban hành các văn bản quy định về chế độ chính sách đối với cán bộ làm công tác pháp chế, cán  bộ làm công tác quản lý pháp chế; cụ thể hóa các nội dung liên quan đến tổ chức, nhân sự của công tác pháp chế theo Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế (UBND các tỉnh Hà Giang, Đồng Tháp, Long An)

Trả lời:

Có thể nói, cán bộ làm công tác pháp chế ngày càng được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, khó khăn, phức tạp; chế độ chính sách cho đội ngũ này đã được quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế nhưng đến nay chưa có văn bản hướng dẫn để thực hiện, mặc dù, Bộ Tư pháp đã cố gắng tham mưu áp dụng. Lý do, ngày 27/5/2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Kết luận số 63-KL/TW về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020, để thực hiện Kết luận này, Chính phủ chỉ đạo việc nghiên cứu về chế độ phụ cấp, trong đó có chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề[2] sẽ được xử lý trong Đề án cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp.

Về việc cụ thể hóa các nội dung liên quan đến tổ chức, nhân sự của công tác pháp chế theo Nghị định số 55/2011/NĐ-CP:

Hiện nay, Chính phủ đang xem xét để ban hành các văn bản sửa đổi, bổ sung liên quan đến cơ cấu tổ chức trong đó có Nghị định thay thế Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ngay sau khi Chính phủ thông qua Nghị định nêu trên, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2011/NĐ-CP để phù hợp với tình hình thực tế của Bộ, ngành và địa phương.

5. Đề nghị Bộ Tư pháp tổ chức đánh giá mô hình pháp chế tại các sở ngành tỉnh để tham mưu điều chỉnh Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ cho phù hợp (UBND tỉnh Bến Tre)

Trả lời:

Sau hơn 8 năm thực hiện, Nghị định số 55/2011/NĐ-CP đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Điều này gây khó khăn, vướng mắc cho các Bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện công tác pháp chế, trong đó có vấn đề về tổ chức và mô hình tổ chức pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Do đó, để có cơ sở cho việc, kiến nghị với  cấp có thẩm quyền trong việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, thời gian qua, Bộ Tư pháp đã tổ chức nhiều hoạt động để khảo sát, đánh giá về tình hình thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ như: tổ chức các Đoàn công tác liên ngành (Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ) hoặc các Đoàn công tác do Bộ Tư pháp tổ chức đi khảo sát tại một số địa phương như: Quảng Bình, Quảng Trị, Thưà Thiên Huế; Bình Dương; Đồng Nai; Cần Thơ…; tổ chức các Hội nghị đối thoại về công tác pháp chế tại 2 miền Nam, Bắc, nhiều hội thảo, tọa đàm… để đánh giá về mô hình tổ chức pháp chế tại các Bộ, ngành, địa phương. Thông qua các hoạt động này, Bộ đã thu nhận được nhiều ý kiến liên quan đến mô hình tổ chức pháp chế, qua đó, có cơ sở để tổng hợp, nghiên cứu và đề xuất với cấp có thẩm quyền về mô hình tổ chức pháp chế trong việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2011/NĐ-CP.

6. Do đặc thù của công tác pháp chế là khối lượng công việc lớn, tính chất đa dạng, phức tạp, nhiều công việc đột xuất, đòi hỏi có đủ số lượng công chức có trình độ, năng lực, do đó đề nghị Bộ Tư pháp có giải pháp kiến nghị với cấp có thẩm quyền để tăng cường nguồn lực và ngân sách cho công tác pháp chế (Thanh tra Chính phủ, Bộ Thông tin & Truyền thông, Ủy ban Dân tộc)

Trả lời:

Trong thời gian qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ người làm công tác pháp chế luôn được Bộ Tư pháp xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ người làm công tác pháp chế ở các Bộ, ngành, địa phương. Từ đó, Bộ Tư pháp đã tổ chức rất nhiều đợt tập huấn nhằm tăng cường năng lực cho người làm công tác pháp chế; thường xuyên đổi mới về nội dung, phương pháp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu với nhiều hình thức; biên soạn nhiều tài liệu, cuốn sổ tay, cẩm nang về nghiệp vụ công tác pháp chế cho đội ngũ người làm công tác pháp chế ở các Bộ, ngành, địa phương. Thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế Bộ, ngành, địa phương; tham mưu để có giải pháp bố trí ngân sách dành cho công tác pháp chế; đồng thời đề nghị lãnh đạo các Bộ, ngành quan tâm, tạo điều kiện dành các nguồn lực cần thiết cho công tác pháp chế.

LĨNH VỰC KIỂM TRA, RÀ SOÁT, HỢP NHẤT VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT, PHÁP ĐIỂN HỆ THỐNG QUY PHẠM PHÁP LUẬT

1. Đề nghị Bộ Tư pháp thường xuyên mở các lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật tại các Sở, ban, ngành (UBND tỉnh Hà Giang, Bộ Xây dựng, Bộ Quốc Phòng, Thanh tra Chính phủ, Bộ Thông tin & Truyền thông,    Ủy ban Dân tộc)

          Trả lời:

  Thời gian qua, Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản QPPL) luôn chú trọng tăng cường tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho công chức thực hiện công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản thông qua việc bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL tại các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác soạn thảo, ban hành văn bản QPPL do Bộ Tư pháp tổ chức hàng năm. Bộ cũng chú trọng lồng ghép nội dung tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ chuyên sâu về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản tại các Hội nghị, hội thảo, tọa đàm liên quan đến công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL[3], Ngoài ra, Bộ Tư pháp luôn quan tâm hỗ trợ báo cáo viên tham dự, tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu về kỹ năng, nghiệp vụ kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL tại các hội nghị tập huấn do các Bộ, ngành, địa phương tổ chức[4].

  Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn nghiệp vụ về kỹ năng, nghiệp vụ kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL cho đội ngũ công chức làm công tác này tại các Bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, Bộ cũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương chủ động tổ chức các lớp tập huấn tại Bộ, ngành, địa phương mình; Bộ Tư pháp sẽ hỗ trợ báo cáo viên tham gia tập huấn theo đề nghị của Bộ, ngành, địa phương.

2. Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan phối hợp ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 122/2011/TTLT-BTC-BTP ngày 17/8/2011 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản, theo đó cần quy định cụ thể mức phí phù hợp để địa phương dễ thực hiện (STP Bình Dương, Hậu Giang)

          Trả lời:

  Ngày 30/01/2018, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 351/BTP-KTrVB gửi Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 122/2011/TTLT-BTC-BTP ngày 17/8/2011.

Tuy nhiên, ngày 21/5/2018 Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về chính sách cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức và viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp và người lao động, nêu rõ: “Bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước như: Tiền bồi dưỡng họp; tiền bồi dưỡng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án; hội thảo... ” (khoản 4 mục III); Từ năm 2021, áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị” (khoản 2.2 mục II). Ngày 16/8/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 107/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, trong đó giao Bộ Tài chính“trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định về cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập theo các nội dung nêu tại tiết đ điểm 3.1 khoản 3 mục II và các giải pháp tài chính nêu tại khoản 4 mục III của Nghị quyết số 27-NQ/TW khóa XII, hoàn thành trong quý IV năm 2018”. Trong bối cảnh đó, việc sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 122/2011/TTLT-BTC-BTP để thực hiện trong khoảng thời gian ngắn (2019 -2020) là khó khả thi. Vì vậy, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 4002/BTP-KTrVB ngày 18/10/2018 gửi Bộ Tài chính đề nghị tạm dừng việc sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 122/2011/TTLT-BTC-BTP.



[1] Các lớp tập huấn, tọa đàm về các nội dung có liên quan đến quy trình chính sách do Vụ VĐCXDPL chủ trì tổ chức cụ thể là:

Năm 2016: - Lớp tập huấn chuyên sâu về quy trình xây dựng, phân tích, đánh giá chính sách và thẩm định đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cho cán bộ pháp chế và cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật của các cơ quan Trung ương; 03 lớp tập huấn chuyên sâu về quy trình xây dựng, phân tích, đánh giá chính sách và thẩm định đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cho cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật của các cơ quan thuộc HĐND, UBND, các Sở Tư pháp, Sở, ban, ngành và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan tại các địa phương ở khu vực 3 miền bắc, trung, nam.

Năm 2017: Tọa đàm trao đổi kinh nghiệm trong xây dựng nội dung chính sách và đánh giá tác động chính sách; Tọa đàm về các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tại Hà Nội.

Năm 2018: Tọa đàm trao đổi, giải đáp vướng mắc về xây dựng, phân tích, đánh giá tác động, thẩm định và thông qua chính sách.

[2] Ngay sau khi Nghị định số 55/2011/NĐ-CP có hiệu lực, Bộ Tư pháp đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai thi hành (Quyết định số 1477/QĐ-BTP ngày 23/8/2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp), theo đó, Bộ Tư pháp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ nghiên cứu, xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ phụ cấp theo nghề đối với người làm công tác pháp chế. Trên cơ sở ý kiến thống nhất của đa số các Bộ, ngành, ngày 06/12/2011, Bộ Tư pháp đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với người làm công tác pháp chế (Tờ trình số 42/TTr-BTP).

[3] Trong năm 2018, Cục Kiểm tra văn bản QPPL đã tổ chức các hội thảo: Hội thảo kiểm tra văn bản theo các nguồn thông tin, thực trạng và giải pháp; Hội thảo về khảo sát, kiểm tra tình hình thực hiện công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL; Hội thảo về công tác kiểm tra văn bản QPPL trong lĩnh vực tài nguyên môi trường; Hội thảo góp ý hoàn thiện kết quả hệ thống hóa văn bản QPPL kỳ 2014-2018  của Bộ Tư pháp… Các hội thảo này đều có thành phần là đại diện tổ chức pháp chế các Bộ, ngành và Sở Tư pháp một số địa phương.

[4] Năm 2018, Cục Kiểm tra văn bản QPPL đã cử công chức lãnh đạo đến tập huấn tại các địa phương: Lạng Sơn, Bắc Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Hà Nội, Lào Cai, Điện Biên.

Cơ quan thiết lập Trang TTĐT: Sở Tư pháp tỉnh Nam Định. Giấy phép số 01/GP-STTTT cấp ngày 31/01/2019
Địa chỉ: 325 Đường Trường Chinh - TP. Nam Định. Điện thoại: (0228) 3849381
Bộ phận cấp phiếu Lý lịch tư pháp: 0228.3636606; Phòng Công chứng số 1: 0228.3528096
Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản: 0228.3836335; Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước: 0228.3526669 
Designed by VNPT Nam Định
  
Chung nhan Tin Nhiem Mang