Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Nghị định của Chính phủ quy định về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước
Lượt xem: 2535

Ngày 29/7/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 66/2019/NĐ-CP về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước. Nghị định gồm 5 Chương 33 Điều, áp dụng đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động trực tiếp hoặc liên quan đến bảo tồn và sử dụng các vùng đất ngập nước trên phạm vi lãnh thổ của Việt Nam. Theo đó:

Bảo tồn vùng đất ngập nước là duy trì, bảo vệ cấu trúc, chức năng, đặc tính sinh thái và đa dạng sinh học của vùng đất ngập nước.

Dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước là những lợi ích do hệ sinh thái đất ngập nước mang lại cho con người.

Hệ sinh thái đất ngập nước là khu vực bao gồm quần xã sinh vật và các yếu tố phi sinh vật của một vùng đất ngập nước nhất định có tác động qua lại và trao đổi vật chất với nhau.

Vùng đất ngập nước là vùng đầm lầy, vùng đất than bùn, vùng ngập nước thường xuyên hoặc ngập nước tạm thời theo mùa, kể cả các vùng ven biển, ven đảo có độ sâu không quá 06 mét khi ngấn nước thủy triều thấp nhất.

1. Các Nguyên tắc bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước

- Việc bảo tồn và sử dụng vùng đất ngập nước phải được thực hiện trên nguyên tắc tiếp cận hệ sinh thái, bảo đảm duy trì toàn vẹn cấu trúc, chức năng, đặc tính sinh thái và đa dạng sinh học của vùng đất ngập nước.

- Tăng cường vai trò, sự tham gia của cộng đồng dân cư sinh sống trên, xung quanh vùng đất ngập nước và các bên liên quan trong bảo tồn, sử dụng bền vững vùng đất ngập nước.

- Đảm bảo cơ chế chia sẻ lợi ích công bằng, hợp lý về quyền lợi và nghĩa vụ giữa các bên liên quan trong việc sử dụng dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước.

2. Các hoạt động khuyến khích trên vùng đất ngập nước

Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, cộng đồng dân cư đầu tư, tham gia vào các hoạt động sau đây:

- Bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên và loài chim di cư tại vùng đất ngập nước.

- Phục hồi các vùng đất ngập nước quan trọng, các hệ sinh thái đất ngập nước tự nhiên đã bị suy thoái hoặc bị khai thác quá mức; duy trì và phòng ngừa sự biến đổi các đặc tính sinh thái vùng đất ngập nước.

- Giám sát các hoạt động trên vùng đất ngập nước quan trọng; phát hiện và thông báo kịp thời với cơ quan chức năng về các hành vi vi phạm pháp luật về bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước quan trọng.

- Thực hiện mô hình sinh kế bền vững về môi trường, mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, các hoạt động du lịch sinh thái theo quy định của pháp luật.

3. Các quy định chia sẻ lợi ích từ dịch vụ hệ sinh thái của vùng đất ngập nước quan trọng 

a. Nguyên tắc chia sẻ lợi ích

- Đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan, giữa bảo tồn và sử dụng dịch vụ hệ sinh thái thuộc vùng đất ngập nước quan trọng;

- Các hoạt động sử dụng dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước quan trọng thực hiện cơ chế chia sẻ lợi ích theo quy định của pháp luật;

- Tổ chức quản lý khu bảo tồn được chia sẻ một phần lợi ích bằng tiền thu được từ các hoạt động sử dụng dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước hoặc các kết quả nghiên cứu trong khu bảo tồn đất ngập nước để phục vụ công tác quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học vùng đất ngập nước.

b. Các bên liên quan được chia sẻ lợi ích từ dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước quan trọng bao gồm:

- Tổ chức quản lý khu bảo tồn đất ngập nước, vùng đất ngập nước quan trọng nằm ngoài khu bảo tồn và cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về vùng đất ngập nước;

- Cộng đồng được tham gia khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên vùng đất ngập nước quan trọng theo quy định của pháp luật;

- Các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tham gia các hoạt động bảo tồn, bảo vệ vùng đất ngập nước quan trọng theo quy định của pháp luật;

- Ủy ban nhân dân các cấp có diện tích thuộc vùng đất ngập nước quan trọng và tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

c. Các hoạt động chia sẻ lợi ích trên các vùng đất ngập nước quan trọng bao gồm:

- Khai thác, sử dụng trực tiếp các giá trị, sản phẩm từ vùng đất ngập nước quan trọng, bao gồm các hoạt động khai thác thủy sản, nuôi trồng thủy sản, khai thác lâm sản, khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác;

- Các hoạt động khai thác, sử dụng các giá trị phi vật thể, gồm có: du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học và đào tạo, quảng bá sản phẩm, hình ảnh về vùng đất ngập nước quan trọng, khu bảo tồn đất ngập nước

4. Huy động sự tham gia của cộng đồng trong bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước

- Các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân đều có quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên và thông tin liên quan đến vùng đất ngập nước quan trọng theo quy định của pháp luật; được đào tạo, nâng cao nhận thức, kỹ năng và sự tham gia trong bảo tồn, sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước;

- Thúc đẩy các phương thức quản lý, đồng quản lý các vùng đất ngập nước quan trọng với sự tham gia của cộng đồng dân cư, chính quyền các cấp và các bên có liên quan trong bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước quan trọng; phát triển các mô hình cộng đồng quản lý bền vững vùng đất ngập nước quan trọng;

- Nâng cao trách nhiệm và đảm bảo chia sẻ công bằng lợi ích của cộng đồng trong bảo tồn, sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước quan trọng;

- Bảo tồn và phát huy giá trị, tri thức truyền thống, bản địa trong bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước quan trọng;

- Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước cho mọi tầng lớp nhân dân bằng các phương thức truyền thông theo quy định của pháp luật, chú trọng sử dụng đến các phương thức truyền thông mới, có hiệu quả cao.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 9 năm 2019. Nghị định số 109/2003/NĐ-CP ngày 23 tháng 9 năm 2003 của Chính phủ về Bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
Tin khác
1 2 3 4 
Cơ quan thiết lập Trang TTĐT: Sở Tư pháp tỉnh Nam Định. Giấy phép số 01/GP-STTTT cấp ngày 31/01/2019
Địa chỉ: 325 Đường Trường Chinh - TP. Nam Định. Điện thoại: (0228) 3849381
Bộ phận cấp phiếu Lý lịch tư pháp: 0228.3636606; Phòng Công chứng số 1: 0228.3528096
Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản: 0228.3836335; Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước: 0228.3526669 
Designed by VNPT Nam Định
  
Chung nhan Tin Nhiem Mang