Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
TỔNG HỢP TIẾP NHẬN VÀ TRẢ LỜI KIẾN NGHỊ CỦA CÁC BỘ, NGÀNH, ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA BỘ TƯ PHÁP 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2019
Lượt xem: 4947

LĨNH VỰC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

1. Đề nghị Bộ Tư pháp sớm ban hành Bộ tài liệu khung để địa phương tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, hòa giải viên ở cơ sở đảm bảo thống nhất, hiệu quả (UBND tỉnh Cao Bằng)

Trả lời:

- Đối với Tài liệu tập huấn, bồi dưỡng cho hòa giải viên ở cơ sở:

Triển khai thực hiện Chương trình khung bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên theo Quyết định số 4077/QĐ-BTP ngày 31/12/2014 của Bộ Tư pháp, năm 2016, Bộ Tư pháp đã biên soạn, phát hành Bộ tài liệu bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên để các cơ quan sử dụng tài liệu tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên; trang bị cho hòa giải viên những kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải phù hợp, thiết thực để vận dụng trong hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Bộ Tài liệu đã được đăng tải trên Trang thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật (đường link: http://pbgdpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/Hoa-Giai-Co-So.aspx?ItemID=83). Đề nghị các cơ quan, tổ chức có nhu cầu truy cập, download tài liệu phục vụ tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, hòa giải viên ở cơ sở tại địa phương.

Bên cạnh đó, hiện nay, Bộ Tư pháp đang triển khai xây dựng Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở để thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/4/2019 phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên  ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022”.

- Đối với Tài liệu tập huấn, bồi dưỡng báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật:

Trên cơ sở Chương trình khung bồi dưỡng nghiệp vụ đối với Báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật ban hành kèm theo Quyết định số 3147/QĐ-BTP ngày 28/12/2018, hiện nay, Bộ Tư pháp đang xây dựng kế hoạch tổ chức biên soạn Bộ tài liệu nguồn và dự kiến hoàn thành trong năm 2019.

2. Đề nghị Bộ Tư pháp quan tâm, trực tiếp tập huấn về kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh để tiếp thu, nâng cao kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ này (UBND Tp Cần Thơ)

Trả lời:

Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật quy định cụ thể trách nhiệm PBGDPL của các cơ quan, tổ chức, trong đó, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm “tập huấn, bồi dưỡng, quản lý đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật; thực hiện chuẩn hóa đội ngũ giáo viên dạy môn giáo dục công dân, giáo viên, giảng viên dạy pháp luật theo quy định của pháp luật”. Bộ Tư pháp có trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về PBGDPL; chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương trong cả nước về công tác này. Vì vậy, trước hết các địa phương chủ động thực hiện nhiệm vụ của mình đã được giao trong Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật.

Nhận thức rõ vai trò quan trọng của các báo cáo viên trong công tác PBGDPL, hàng năm, Bộ Tư pháp đều có Kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng tuyên truyền pháp luật cho các báo cáo viên pháp luật trung ương, báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, cán bộ làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao năng lực cho đội ngũ này.

Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ mở rộng thêm số lượng báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh trong các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng tuyên truyền pháp luật cho cán bộ làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật của các tỉnh, thành phố; nghiên cứu, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, chú trọng bồi dưỡng kỹ năng PBGDPL; tăng cường trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn triển khai công tác PBGDPL, góp phần đáp ứng yêu cầu của công tác này trong tình hình mới.

3. Đề nghị Bộ Tư pháp xem xét đề xuất nâng mức chi hỗ trợ cho báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật vì mức chi theo quy định hiện hành chưa đáp ứng yêu cầu thực tế cho hoạt động của đội ngũ này (UBND Tp Cần Thơ)

Trả lời:

Những năm qua, chế độ, chính sách đối với cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã được từng bước quan tâm. Bên cạnh công chức làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được hưởng lương từ ngân sách nhà nước, các cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật kiêm nhiệm (báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật…) cũng được Nhà nước quan tâm, tạo cơ chế, điều kiện về kinh phí trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, được quy định trong Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành. 

Để cụ thể hóa chủ trương, chính sách hỗ trợ này, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27/01/2014 quy định về việc lập dự toán, quản lý, sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó đã hướng dẫn cụ thể nội dung chi, mức chi thù lao phục vụ hoạt động của đội ngũ này (khoản 8, 10 Điều 4; điểm b, khoản 1 Điều 5 và mục 2, Phụ lục Thông tư liên tịch). Mức chi, nội dung chi bảo đảm tương quan với các chế độ, chính sách quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành có nội dung tương tự. Về mức thù lao cho báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, hiện được dẫn chiếu áp dụng theo quy định tại Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018. Theo đó mức thù lao và biên soạn bài giảng của báo cáo viên, tuyên truyền viên được tăng lên phần nào đáp ứng được yêu cầu từ thực tiễn.

Tuy nhiên, do điều kiện ngân sách hạn hẹp, một số địa phương chưa dành nhiều sự quan tâm, bố trí, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí hỗ trợ cho hoạt động của đội ngũ này. Bên cạnh đó, so với nhu cầu PBGDPL của nhân dân và yêu cầu triển khai thi hành các Luật, Pháp lệnh mới thì chế độ, chính sách dành cho đội ngũ này còn rất hạn chế, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ.

Bộ Tư pháp đề nghị các địa phương tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất, tranh thủ tối đa sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể để có các giải pháp thiết thực hỗ trợ các điều kiện đảm bảo cho hoạt động của báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật trong thời gian tới.

4. Đề nghị Bộ Tư pháp hướng dẫn cơ chế thực hiện xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tạo điều kiện tổ chức các hoạt động xã hội hóa một cách rộng rãi và hiệu quả hơn (UBND Tp Cần Thơ)

Trả lời:

Nhằm phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu thông tin pháp luật của người dân, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước bằng pháp luật, yêu cầu tăng cường các hoạt động xã hội hóa PBGDPL là một tất yếu khách quan. Xã hội hóa đã được quy định cụ thể tại chương 3 Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04/04/2013 của Chính phủ quy định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phổ biến, giáo dục pháp luật. Do vậy, trong thời gian tới, Bộ Tư pháp đề nghị các địa phương căn cứ vào điều kiện thực tiễn, thực hiện các giải pháp sau đây:

a) Triển khai thực hiện nhiệm vụ về xã hội hóa đã được quy định Nghị định số 28/2013/NĐ-CP với phương thức, cách làm sáng tạo, phù hợp;

b) Tiếp tục tổng kết, đánh giá để tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách về xã hội hóa, huy động nguồn lực xã hội tham gia PBGDPL;

c) Xây dựng, tổng kết các mô hình hay, cách làm hiệu quả để nhân rộng trong cả nước;

d) Tăng cường các biện pháp chỉ đạo, hướng dẫn để triển khai thực hiện thật tốt chính sách này trong thực tế. Thực hiện các giải pháp cụ thể trong việc thu hút đội ngũ luật sư, luật gia, những người làm công tác pháp luật, những người có kiến thức về pháp luật tham gia vào công tác này.

5. Đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, ban hành tiêu chí xây dựng tủ sách pháp luật điện tử để phù hợp với xu thế phát triển thay thế việc áp dụng xây dựng tủ sách pháp luật ở những quận, huyện có hạ tầng công nghệ thông tin tốt; chỉ nên áp dụng tủ sách pháp luật ở những nơi vùng sâu, vùng xa, khó khăn (UBND Tp Hà Nội)

Trả lời:

Ngày 13/3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg về xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật (thay thế Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg ngày 25/01/2019) và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/5/2019. Trong đó Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng, vận hành Tủ sách pháp luật điện tử quốc gia để bắt đầu khai thác, sử dụng chính thức từ năm 2021. Hiện nay Bộ Tư pháp đang nghiên cứu, chuẩn bị các điều kiện cần thiết xây dựng mô hình này và ban hành văn bản đề nghị các địa phương rà soát, thống kê các sách, tài liệu PBGDPL nhằm chuẩn bị nội dung, dữ liệu thực hiện số hóa trên Tủ sách pháp luật điện tử quốc gia.

Đối với Tủ sách pháp luật truyền thống, Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg đã quy định sẽ tiếp tục xây dựng, duy trì tại địa bàn các xã đặc biệt khó khăn. Những địa bàn còn lại, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo rà soát, đánh giá hiệu quả, trên cơ sở đó quyết định việc duy trì, chú trọng khai thác Tủ sách pháp luật điện tử quốc gia sau khi vận hành chính thức.

6. Đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục quan tâm biên soạn, in ấn, phát hành miễn phí các sách, tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng, kiến thức pháp luật cho hòa giải viên; băng, đĩa có nội dung tuyên truyền, PBGDPL về hòa giải và các vụ việc hòa giải điển hình, tình huống mô phỏng về hòa giải (UBND tỉnh Hà Tĩnh)

Trả lời:

Biên soạn tài liệu về hòa giải ở cơ sở là nội dung quản lý nhà nước, thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của Luật hòa giải ở cơ sở và Nghị định số 15/2014/NĐ-CP. Theo đó, thực hiện Kế hoạch công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật hàng năm, Bộ Tư pháp đã tổ chức biên soạn và phát hành miễn phí nhiều tài liệu PBGDPL dưới các hình thức như: Đề cương giới thiệu các luật, pháp lệnh mới, đặc san tuyên truyền pháp luật, sách pháp luật, sổ tay pháp luật, tình huống pháp luật, hỏi đáp pháp luật, câu chuyện pháp luật dưới dạng video clip...trong đó có các tài liệu về hòa giải ở cơ sở. Các tài liệu này được đăng tải trên Trang thông tin điện tử PBGDPL, Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp (www.moj.gov.vn/pbgdpl) để phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ, nhân dân và các hòa giải viên.

Bên cạnh đó, triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022” (Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ), tới đây, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục tăng cường biên soạn, cung cấp tài liệu về hòa giải ở cơ sở với các hình thức đa dạng, phong phú hơn. Đồng thời, Bộ Tư pháp cũng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường biên soạn, phát hành tài liệu về hòa giải ở cơ sở phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương.

7. Đề nghị Bộ Tư pháp tham mưu, kiến nghị sửa đổi Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản có liên quan theo hướng: Quy định thống nhất các trường hợp thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở; Đơn giản hóa thủ tục hành chính bổ nhiệm hòa giải viên ở cơ sở; Quy định cụ thể thời hạn tiến hành hòa giải và giới hạn số lần hòa giải không thành tối đa cho mỗi vụ việc, nếu không đạt kết quả hòa giải thành thì phải chuyển đến cơ quan chức năng giải quyết nhằm tạo thuận lợi để các bên giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn; Quy định về quyền yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án để thống nhất với quy định tại Chương XXXII Bộ luật tố tụng dân sự và nâng cao hiệu lực của kết quả hòa giải thành, đồng thời bổ sung quy định về trách nhiệm của Tòa án trong việc hỗ trợ hoạt động hòa giải ở cơ sở thông qua thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án (UBND tỉnh Hà Tĩnh)

Trả lời:

Để có cơ sở đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Hòa giải ở cơ sở, Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch số 370/KH-BTP ngày 29/01/2019 về tổng kết 05 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở. Căn cứ vào kết quả tổng kết và ý kiến đề xuất của bộ, ngành, địa phương, Bộ Tư pháp sẽ tổng hợp, đánh giá, trình Chính phủ đề xuất Quốc hội cho sửa đổi, bổ sung Luật Hòa giải ở cơ sở (nếu cần thiết).

8. Đề nghị Bộ Tư pháp sớm hoàn thành việc xây dựng Cổng/Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ Tư pháp để các địa phương xây dựng,hoàn thiện Cổng/Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật thống nhất với chuẩn cấu trúc dữ liệu của Bộ Tư pháp (UBND Tp Hồ Chí Minh)

Trả lời:

Để triển khai Quyết định số 471/QĐ-TTg ngày 26/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL giai đoạn 2019 - 2021”, ngày 14/6/2019, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 1347/QĐ-BTP về Kế hoạch thực hiện Đề án. Theo đó, năm 2019, Bộ Tư pháp dự kiến triển khai các hoạt động phục vụ xây dựng Cổng thông tin điện tử PBGDPL giai đoạn 1 (trước  mắt triển khai tại Bộ Tư pháp) tạo tiền đề phát triển, mở rộng, sử dụng trên phạm vi cả nước.

9. Đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, đổi mới việc triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo hướng không ban hành nhiều chương trình, đề án, kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật mà ban hành Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm, trong đó, định hướng trọng tâm phổ biến, giáo dục pháp luật, giải pháp phổ biến, giáo dục pháp luật, mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật mới, hiệu quả để địa phương tự chủ động xây dựng Chương trình, đề án, kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp tình hình thực tiễn, điều kiện nhân lực, vật lực của địa phương (UBND Tp Hồ Chí Minh)

Trả lời:

Hằng năm, để triển khai công tác PBGDPL hiệu quả, kịp thời, Bộ Tư pháp đều đã ban hành Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật;
hòa giải ở cơ sở; xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong đó xác định rõ các nhiệm vụ, hoạt động trọng tâm. Trên cơ sở đó,
các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao xây dựng Kế hoạch chi tiết hàng năm để triển khai công tác PBGDPL phù hợp với điều kiện và tình hình thực tiễn.

Đồng thời, việc ban hành các Chương trình, Đề án về PBGDPL xuất phát từ mục đích triển khai công tác PBGDPL trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với yêu cầu từng giai đoạn và ưu tiên cho các đối tượng đặc thù; đồng thời, là cơ sở để Bộ, ngành, địa phương ưu tiên bố trí nguồn lực triển khai thực hiện.

Bộ Tư pháp đề nghị các địa phương khi xây dựng, triển khai thực hiện Chương trình, Đề án, Kế hoạch về PBGDPL cần bám sát điều kiện thực tiễn; tính toán kỹ các nguồn lực và điều kiện bảo đảm để xác định mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho phù hợp; ưu tiên lồng ghép, kết hợp giữa triển khai thực hiện Đề án, Kế hoạch về PBGDPL với các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn; gắn với thực hiện các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội, với các Dự án hợp tác quốc tế…để tận dụng, khai thác, sử dụng hiệu quả tối đa nguồn lực; tiếp tục khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội tham gia thực hiện công tác PBGDPL theo chủ trương xã hội hóa; kịp thời phát hiện vướng mắc, bất cập trong thực hiện để kịp thời tháo gỡ, xử lý.

10. Đề nghị Bộ Tư pháp tổ chức tập huấn, hướng dẫn triển khai Thông tư số 03/2018/TT-BTP ngày 10/3/2018 của Bộ Tư pháp quy định bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật để Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm thực hiện (UBND Tp Hồ Chí Minh)

Trả lời:

Ngày 10/3/2018, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 03/2018/TT-BTP quy định Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác PBGPDL. Thông tư được ban hành để hướng dẫn cụ thể hóa quy định tại Nghị định số 28/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PBGDPL. Để tổ chức thực hiện Thông tư một cách thống nhất, sâu rộng, Bộ Tư pháp đã tiến hành xây dựng tài liệu giới thiệu, hướng dẫn nội dung cơ bản về việc đánh giá hiệu quả công tác PBGPDL và đăng tải trên Trang thông tin PBGDPL (Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp); giới thiệu nội dung Thông tư tại Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tổ chức tại 03 miền Bắc, Trung, Nam[1]; cử Lãnh đạo cấp Vụ tham gia làm báo cáo viên giới thiệu về nội dung Thông tư tại Hội nghị một số tỉnh, thành phố; kịp thời hướng dẫn, giải đáp các kiến nghị, thắc mắc của địa phương liên quan đến việc triển khai thực hiện Bộ tiêu chí.

Năm 2019, Bộ đã có nội dung hướng dẫn thực hiện Thông tư trong Công văn số 1201/BTP-PBGDPL ngày 09/04/2019 về việc hướng dẫn thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL); hòa giải ở cơ sở; xây dựng xã, phường, thị trấn (cấp xã) đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2019. Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục tập huấn Thông tư số 03/2018/TT-BTP cho các bộ, ngành ở Trung ương, địa phương và xây dựng các văn bản, tài liệu, bộ công cụ đánh giá mẫu để hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện một cách thống nhất.

11. Cung cấp, chia sẻ tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt là đề cương phổ biến, giáo dục pháp luật dành cho báo cáo viên, tuyên truyền viên (dưới dạng power point); tài liệu hỏi đáp pháp luật, chương trình phát thanh, kịch bản tiểu phẩm pháp luật, bài giảng trực tuyến (âm thanh rõ ràng, dễ nghe, có thể ghi chép lại)... (UBND Tp Hồ Chí Minh)

Trả lời:

Để tạo điều kiện cho Bộ, ngành, địa phương trong công tác PBGDPL, Bộ tư pháp bên cạnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về PBGDPL, cũng đã xây dựng và phối hợp xây dựng biên soạn các tài liệu pháp luật (Đề cương giới thiệu luật, sách, tờ gấp, câu chuyện, tình huống pháp luật, bài giảng điện tử, tin, bài về PBGDPL…). Tài liệu này đã được đăng tải trên Trang thông tin điện tử về PBGDPL (www.moj.gov.vn/pbgdpl/Pages/Default.aspx). Việc đề nghị cung cấp tài liệu dưới dạng power point là hoạt động thuần túy nghiệp vụ, kỹ năng của người thực hiện công tác PBGDPL, đề nghị các địa phương trên cơ sở các tài liệu Bộ đã đăng tải, cần chủ động thực hiện.

Thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tăng cường phối hợp, hướng dẫn, đề nghị các bộ, ngành, cơ quan chủ trì soạn thảo luật, pháp lệnh thực hiện kịp thời việc biên soạn, phát hành Đề cương, tài liệu tuyên truyền các luật, pháp lệnh mới; chú trọng triển khai thi hành luật, pháp lệnh; phối hợp cung cấp thông tin, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân về nhu cầu PBGDPL để có hướng dẫn, định hướng biên soạn, cấp phát tài liệu phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

12. Đề nghị Bộ Tư pháp tổ chức hội thi, hội nghị, hội thảo, tọa đàm riêng cho báo cáo viên, tuyên truyền viên hoặc hòa giải viên ở cơ sở của các tỉnh, thành phố để học tập, trao đổi kinh nghiệm; tổ chức hội thảo, tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, tủ sách pháp luật để xây dựng giải pháp, mô hình thực hiện hiệu quả (UBND Tp Hồ Chí Minh)

Trả lời:

Trong những năm qua, để góp phần nâng cao năng lực, chuyên môn của đội ngũ những người làm công tác PBGDPL, Bộ Tư pháp đã tổ chức nhiều Tọa đàm, Hội thảo về PBGDPL, Hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật (các hội thảo, Tọa đàm gắn với việc tổng kết các văn bản của Đảng, Nhà nước về PBGDPL, tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL, cơ chế phối hợp, mô hình PBGDPL có hiệu quả, xã hội hóa công tác PBGDPL, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác này…). Để tiếp tục trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về thực hiện xã hội hóa công tác PBGDPL của các Bộ, ngành, địa phương, Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, phân tích, rút kinh nghiệm và tổng kết, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong cả nước về xã hội hóa để chia sẻ trong các buổi tọa đàm và hội thảo trong thời gian tới. Theo kế hoạch, tháng 8/2019, Bộ Tư pháp tổ chức hội thảo về xã hội hóa công tác PBGDPL trong nhà trường. Kỷ yếu các cuộc hội thảo, Tọa đàm sẽ được Bộ Tư pháp đăng tải trên Trang Thông tin điện tử về PBGDPL để tạo điều kiện cho các Bộ, ngành, địa phương không trực tiếp tham dự tham khảo.

Về Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc, để bảo đảm việc tổ chức hội thi là điểm nhấn, định kỳ 05 năm Bộ Tư pháp tổ chức Hội thi hòa giải viên giỏi toàn quốc; theo đó, năm 2016, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thi hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ III, dự kiến Hội thi lần thứ IV sẽ được tổ chức vào năm 2021. Đối với các địa phương, căn cứ vào tình hình thực tế và nguồn lực, chủ động tổ chức Hội thi hòa giải viên giỏi cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã cho phù hợp.

13. Đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27/01/2014 của liên Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở; Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 30/7/2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở để phù hợp với quy định pháp luật hiện hành (UBND tỉnh Sơn La)

Trả lời:

a) Kinh phí phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở

Sau gần 5 năm triển khai thực hiện, Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT ngày 27/01/2014 giữa Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác PBGDPL đã được các Bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện đảm bảo đúng chế độ, định mức hiện hành, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ việc triển khai các hoạt động PBGDPL. Đến nay, cơ bản các văn bản tài chính này vẫn đang được triển khai ổn định, chưa có sự sửa đổi, bổ sung thay thế.

Thực hiện trách nhiệm được giao theo quy định của Luật, trên cơ sở văn bản đề nghị của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp đã ban hành Công văn số 1035/BTP-PBGDPL ngày 29/3/2018 đề nghị các Bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá việc triển khai Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP, qua đó đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung nếu cần thiết đáp ứng yêu cầu công tác này trong tình hình mới. Qua tổng hợp ý kiến các bộ, ngành, địa phương, về cơ bản vẫn đánh giá việc triển khai Thông tư liên tịch khá ổn định, đảm bảo tương quan thống nhất chung về nội dung chi, mức chi với các văn bản tài chính hiện hành về các lĩnh vực công việc có tính chất tương tự, là cơ sở pháp lý quan trọng để đáp ứng việc quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí về công tác PBGDPL hiện nay. Hiện nay những văn bản Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP dẫn chiếu đã thay đổi bằng nhiều văn bản khác với mức chi tương đối phù hợp với điều kiện ngân sách nhà nước hiện nay. Cụ thể như:

- Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập được thay thế bằng Thông tư 40/2017/TT-BTC quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị.

- Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21/9/2010 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức được thay thế bằng Thông tư 36/2018/TT-BTC hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

- Thông tư liên tịch số 44/2007/TTLT-BTC-BKHCN ngày 07/5/2007 của Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn định mức xây dựng và phân bổ dự toán kinh phí đối với các đề tài, dự án khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước được thay thế bởi Thông tư liên tịch 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN về hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước.

- Thông tư số 123/2009/TT-BTC ngày 17/6/2009 của Bộ Tài chính quy định nội dung chi, mức chi xây dựng chương trình khung và biên soạn chương trình, giáo trình các môn học đối với các ngành đào tạo Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp được thay thế bởi Thông tư 76/2018/TT-BTC hướng dẫn nội dung, mức chi xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình môn học đối với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp . Đồng thời tại Thông tư số 76 quy định mức chi cho việc biên soạn tại liệu áp dụng theo Điều 7, Điều 8 và Điều 9 Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN.

- Thông tư số 01/2010/TT-BTC ngày 06/01/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ chi tiêu đón tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt nam, chi tiêu tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chi tiêu tiếp khách trong nước được thay thế bởi Thông tư 71/2018/TT-BTC quy định về chế độ tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chế độ chi tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chế độ tiếp khách trong nước.

- Thông tư số 58/2011/TT-BTC ngày 11/5/2011 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kêđược thay thế bởi Thông tư 109/2016/TT-BTC quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện cuộc điều tra thống kê, Tổng điều tra thống kê quốc gia.

- Thông tư liên tịch số 08/2005/TTLT-BTC-BNV ngày 05/01/2005 của Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ đối với cán bộ, công chức, viên chức hiện đã được hướng dẫn bởi Thông tư số 23/2015/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều về tiền lương của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động.

b) Kinh phí hòa giải ở cơ sở: Qua thực tiễn thực hiện Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP, Bộ Tư pháp nhận thấy một số nội dung chi và mức chi tại Thông tư không còn phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và trong thời gian tới, đồng thời một số văn bản dẫn chiếu trong Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP đã được thay thế bởi văn bản khác. Vì vậy, trên cơ sở đề xuất của các địa phương tại báo cáo tổng kết 05 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, Bộ sẽ tổng hợp, nghiên cứu, đề xuất, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng các giải pháp để đảm bảo điều kiện về kinh phí thực hiện hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở trong thời gian tới.

14. Đề nghị Bộ Tư pháp sớm có Kế hoạch triển khai, hướng dẫn thực hiện Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2020” và Quyết định số 471/QĐ-TTg ngày 26/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019 - 2021” để địa phương tổ chức thực hiện đồng bộ, thống nhất (UBND tỉnh Trà Vinh)

Trả lời:

- Nhằm nâng cao năng lực cho hòa giải viên ở cơ sở đáp ứng tình hình mới của đất nước, Bộ Tư pháp đã tham mưu xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/4/2019 phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022. Để triển khai Đề án kịp thời, Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 1331/QĐ-BTP ngày 12/6/2019 ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án trong năm 2019 và Công văn số 2209/BTP-PBGDPL ngày 17/6/2019 về việc thực hiện Đề án trong năm 2019. Trên cơ sở nội dung Đề án và Kế hoạch này, đề nghị các địa phương ban hành văn bản triển khai thực hiện Đề án tại địa phương bảo đảm thiết thực, hiệu quả.

- Quyết định số 471/QĐ-TTg ngày 26/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019 - 2021” đã quy định rất cụ thể nhiệm vụ, giải pháp, tiến độ và phân công trách nhiệm. Vì vậy, trên cơ sở nội dung Quyết định, các địa phương chủ động xây dựng Kế hoạch triển khai Đề án. Trong thời gian đầu tháng 7/2019, Bộ Tư pháp sẽ ban hành công văn hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương triển khai Đề án.

15. Hiện nay có rất nhiều kế hoạch, đề án PBGDPL mà ngành Tư pháp tham mưu chủ trì thực hiện, trong khi kinh phí hạn hẹp, việc lồng ghép PBGDPL là yêu cầu bắt buộc song trên thực tế hiệu quả PBGDPL sẽ rất hạn chế. Do đó, đề nghị Bộ Tư pháp tham mưu cấp trên chỉ đạo việc đảm bảo kinh phí thực hiện các kế hoạch, đề án này nhằm đưa việc thực hiện các kế hoạch, đề án đó vào thực chất hơn (UBND tỉnh Yên Bái)

Trả lời:

Kinh phí chi cho công tác PBGDPL nói chung cũng như chi cho việc thực hiện các chương trình, Đề án về PBGDPL nói riêng chưa đảm bảo theo yêu cầu kế hoạch đề ra là thực trạng của nhiều địa phương trong thời gian qua mặc dù Luật PBGDPL và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định rất rõ cơ chế kinh phí phục vụ triển khai công tác này, nhất là đối với các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách.

Vì vậy, đề nghị các địa phương, trong quá trình tham mưu lập dự toán ngân sách bố trí cho công tác PBGDPL của năm sau (tháng 6, 7 của năm trước liền kề), cần chủ động phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương để tổng hợp, nghiên cứu, đề xuất nhu cầu kinh phí thực hiện công tác này gửi Sở Tài chính tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trình Bộ Tài chính phân bổ ngân sách hàng năm. Đồng thời, chủ động báo cáo cơ quan có thẩm quyền bố trí trong phạm vi ngân sách của địa phương, đảm bảo tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả.  

Về phía Bộ Tư pháp, trên cơ sở các văn bản hướng dẫn nêu trên và xuất phát từ yêu cầu thực tế của việc triển khai Luật PBGPDL, trong chỉ đạo, hướng dẫn, Bộ luôn đề nghị lãnh đạo chính quyền địa phương quan tâm bảo đảm kinh phí, nguồn lực cho nhiệm vụ PBGDPL.Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với Bộ, ngành, đoàn thể đề xuất các giải pháp hoàn thiện cơ chế tổ chức thi hành luật, pháp lệnh để có được nguồn lực bảo đảm cho công tác này; tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính để đề xuất, điều chỉnh các quy định về kinh phí phổ biến, giáo dục pháp luật đảm bảo tính khả thi, phù hợp, đồng bộ và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu công tác này trong tình hình mới.

16. Do điều kiện của tỉnh miền núi, kinh tế xã hội còn khó khăn, tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách, đề nghị Bộ Tư pháp tổng hợp dự toán đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ kinh phí PBGDPL cho địa phương (UBND tỉnh Yên Bái)

Trả lời:

   Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27/01/2014 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) đã quy định rõ cơ chế tài chính cho công tác PBGDPL, trong đó có các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc do Luật ngân sách nhà nước quy định về nguyên tắc phân cấp quản lý nguồn thu, nhiệm vụ chi và quan hệ giữa các cấp ngân sách đã xác định nguyên tắc: “Nhiệm vụ chi thuộc ngân sách cấp nào do ngân sách cấp đó bảo đảm” (Khoản 4 Điều 9 Luật ngân sách nhà nước năm 2015). Căn cứ Luật ngân sách nhà nước về phân cấp thực hiện ngân sách, hằng năm, Bộ Tài chính đều có văn bản hướng dẫn và đề nghị các địa phương, trong đó có các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách tự bố trí kinh phí cho công tác PBGDPL trong phạm vi ngân sách được Trung ương giao. Thông tư số 132/2017/TT-BTC ngày 15/12/2017 của Bộ Tài chính quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 tại Điểm b Khoản 2 Điều 3 quy định: “Căn cứ dự toán chi ngân sách được giao năm 2018, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động bố trí kinh phí thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; công tác hòa giải ở cơ sở theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở”.

Vì vậy, đề nghị các địa phương, trong quá trình tham mưu lập dự toán ngân sách bố trí cho công tác PBGDPL hàng năm (tháng 6,7 hàng năm), cần chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương trên phạm vi toàn tỉnh để tổng hợp, nghiên cứu, đề xuất nhu cầu kinh phí thực hiện công tác này, gửi Sở Tài chính tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trình Bộ Tài chính phân bổ ngân sách hàng năm. Đồng thời, chủ động báo cáo cơ quan có thẩm quyền bố trí trong phạm vi ngân sách của địa phương, đảm bảo tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả.

Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với Bộ Tài chính để đề xuất, điều chỉnh các quy định về kinh phí phổ biến, giáo dục pháp luật đảm bảo tính khả thi, phù hợp, đồng bộ và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu công tác này trong tình hình mới.

17. Để đảm bảo tính kịp thời cũng như sự phù hợp giữa kế hoạch của Bộ Tư pháp với kế hoạch tổ chức thực hiện của địa phương, đề nghị Bộ Tư pháp kịp thời ban hành các Kế hoạch triển khai thực hiện ngay sau khi Thủ tướng chính phủ ban hành các Quyết định, Đề án trong công tác PBGDPL (UBND tỉnh Yên Bái)

Trả lời:

Về cơ bản, ngay sau khi các Đề án, Chương trình về PBGDPL được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, Bộ Tư pháp đã kịp thời ban hành các Kế hoạch triển khai thực hiện để bảo đảm tính kịp thời và hướng dẫn các địa phương thực hiện. Tuy nhiên, trên cơ sở ý kiến phản ánh của địa phương, Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu để đẩy nhanh hơn tiến độ ban hành các Kế hoạch này trong thời gian tới.

18. Đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn cụ thể hơn quy định về quyền yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành của Tổ hòa giải vì hiện nay thủ tục đề nghị Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành của Tổ hòa giải còn nhiều bất cập (UBND tỉnh Đồng Tháp)

Trả lời:

Thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án đã được quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (Chương XXXIII của Bộ luật), Bộ luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016.

Để bảo đảm việc thực hiện thống nhất trong cả nước, trên cơ sở thống nhất với Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp đã ban hành Công văn số 1503/BTP-PBGDPL ngày 05/5/2017 về việc hướng dẫn thực hiện thủ tục yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở.

Nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án, ngày 08/4/2019 Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao đã ký kết Chương trình phối hợp số 162/CTPH-TANDTC-BTP về phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở. Một trong những nội dung được xác định trong chương trình phối hợp là “chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện quy định về việc công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án theo Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015; nghiên cứu, xây dựng các tài liệu nghiệp vụ về hòa giải tranh chấp dân sự và các tài liệu hướng dẫn quy trình, thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án”.

19. Bộ trưởng Bộ Tư pháp ký Quyết định số 3147/QĐ-BTP ngày 28/12/2018 ban hành Chương trình khung bồi dưỡng nghiệp vụ đối với báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật nhưng đến nay Bộ Tư pháp chưa ban hành tài liệu nên khó khăn cho địa phương trong tổ chức triển khai tập huấn cho báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật theo Chương trình khung. Đề nghị Bộ Tư pháp quan tâm, sớm chỉ đạo thực hiện (UBND tỉnh Bến Tre)

Trả lời:

Chương trình khung bồi dưỡng nghiệp vụ đối với Báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật (ban hành kèm theo Quyết định số 3147/QĐ-BTP ngày 28/12/2018) nhằm mục tiêu chuẩn hóa chương trình, nội dung, tài liệu bồi dưỡng làm cơ sở để Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương tham khảo, áp dụng trong quá trình tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ đối với BCVPL, TTVPL thuộc phạm vi quản lý. Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp có trách nhiệm biên soạn, phát hành Bộ tài liệu nguồn bồi dưỡng nghiệp vụ BCVPL, TTVPL. Hiện Bộ Tư pháp đang xây dựng kế hoạch tổ chức biên soạn Bộ tài liệu nguồn này. Dự kiến, Bộ Tài liệu sẽ được hoàn thành trong năm 2019.

20. Thể chế công tác hòa giải được hoàn thiện, Luật hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện, vững chắc cho hoạt động hoà giải ở cơ sở. Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện, Luật Hòa giải ở cơ sở  bộc lộ những bất cập (qua tổng kết 05 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013), cũng đã phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả công tác hòa giải trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, sớm đề xuất sửa đổi cho phù hợp với tình hình hiện nay (UBND tỉnh Bến Tre)

Trả lời:

Thực hiện Kế hoạch số 370/KH-BTP ngày 29/01/2019 của Bộ Tư pháp về tổng kết 05 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở. Hiện nay, Bộ Tư pháp đang tổng hợp báo cáo kết quả tổng kết 05 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở của các địa phương, xây dựng báo cáo trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Căn cứ vào kết quả tổng kết và ý kiến đề xuất của bộ, ngành, địa phương, Bộ Tư pháp sẽ trình Chính phủ đề xuất Quốc hội cho sửa đổi, bổ sung Luật Hòa giải ở cơ sở (nếu cần thiết).

21. Kiến nghị Bộ Tư pháp giao nhiệm vụ cho địa phương thực hiện cần tương xứng với thực tế địa phương thì mới phát huy hiệu quả nhiệm vụ được giao; tập trung triển khai thực hiện những đề án, chương trình do ngành Tư pháp chủ trì; những chương trình, đề án do các bộ, ngành khác chủ trì thì để các bộ, ngành đó chủ động thực hiện, điển hình như: Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường”; Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh, thiếu niên” (đề xuất để ngành Nội vụ và tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chủ trì thực hiện); Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật” (đề xuất để ngành Công an chủ trì thực hiện)... (UBND tỉnh Tây Ninh)

Trả lời:

Việc triển khai thực hiện các Chương trình, Đề án về công tác PBGDPL do Thủ tướng Chính phủ giao trên cơ sở chức năng quản lý nhà nước về PBGDPL của ngành Tư pháp. Vì vậy, đều giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành quản lý các đối tượng hoặc lĩnh vực liên quan.

Đồng thời, ban hành các Chương trình, Đề án về PBGDPL xuất phát từ mục đích triển khai công tác PBGDPL trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với yêu cầu từng giai đoạn và ưu tiên cho các đối tượng đặc thù; đồng thời, là cơ sở để Bộ, ngành, địa phương ưu tiên bố trí nguồn lực triển khai thực hiện.

Bộ Tư pháp đề nghị các địa phương khi xây dựng, triển khai thực hiện Chương trình, Đề án, Kế hoạch về PBGDPL cần bám sát điều kiện thực tiễn; tính toán kỹ các nguồn lực và điều kiện bảo đảm để xác định mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho phù hợp; ưu tiên lồng ghép, kết hợp giữa triển khai thực hiện Đề án, Kế hoạch về PBGDPL với các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn; gắn với thực hiện các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội, với các Dự án hợp tác quốc tế…Đồng thời, Sở Tư pháp phối hợp với Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố bố trí kinh phí đã được phân cấp tại ngân sách của địa phương để triển khai Đề án hiệu quả; tiếp tục khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội tham gia thực hiện công tác PBGDPL theo chủ trương xã hội hóa; kịp thời phát hiện vướng mắc, bất cập trong thực hiện để kịp thời tháo gỡ, xử lý.

Do vậy, trên cơ sở các Chương trình, Đề án do các Bộ, ngành ở Trung ương ban hành, đề nghị các địa phương triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương mình.

LĨNH VỰC HÌNH SỰ - HÀNH CHÍNH

Việc tổ chức sơ kết 05 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, để bảo đảm tiến độ sơ kết theo yêu cầu của Bộ Tư pháp (trước ngày 15/6/2019) và theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp việc sơ kết 05 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 tập trung đánh giá các hoạt động triển khai thi hành Hiến pháp cấp tỉnh, nên chưa đánh giá được toàn diện công tác triển khai thi hành Hiến pháp trên địa bàn tỉnh. Đề nghị Bộ Tư pháp có chỉ đạo triển khai sớm và dành nhiều thời gian để địa phương có thời gian thực hiện (UBND tỉnh Bến Tre)

Trả lời:

Sơ kết 05 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm công tác 2019 của Bộ và ngành Tư pháp. Theo Văn bản số 381/UBTVQH14-PL ngày 27/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiến hành sơ kết 05 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 và Quyết định số 511/QĐ-TTg ngày 08/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tổ chức sơ kết 05 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, công tác sơ kết 05 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 được tiến hành khẩn trương, trong thời gian tương đối gấp, yêu cầu bám sát các nội dung sơ kết (về hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về nội dung của Hiến pháp; rà soát, ban hành văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với Hiến pháp năm 2013; đánh giá việc các cơ quan nhà nước thực hiện điều chỉnh cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định mới của Hiến pháp năm 2013 và việc triển khai các biện pháp nhằm bảo đảm thi hành Hiến pháp trong 05 năm vừa qua).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan, trong đó có Chính phủ, tiến hành sơ kết và gửi Chính phủ tổng hợp, xây dựng báo cáo chung, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi gửi báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019). Do vậy, tại Kế hoạch tổ chức sơ kết 05 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiến hành sơ kết và gửi báo cáo về Bộ Tư pháp trước ngày 15/6/2019 để kịp thời tổng hợp, xây dựng dự thảo Báo cáo về sơ kết 05 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, trình Chính phủ cho ý kiến tại Phiên họp tháng 7/2019. Đây là nhiệm vụ chung và đã được lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương quán triệt thực hiện.

Qua quá trình theo dõi, đôn đốc, Bộ Tư pháp thấy rằng, một số bộ, ngành, địa phương đã nghiêm túc và nỗ lực triển khai sơ kết và gửi báo cáo về Bộ Tư pháp đúng thời hạn, trong đó có Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre (Báo cáo ngày 14/6/2019). Trong khi đó, một số Bộ, ngành, địa phương gửi báo cáo chậm và đã được Bộ Tư pháp gửi công văn đôn đốc.




[1]Thừa Thiên Huế, Điện Biên, Cần Thơ.

Cơ quan thiết lập Trang TTĐT: Sở Tư pháp tỉnh Nam Định. Giấy phép số 01/GP-STTTT cấp ngày 31/01/2019
Địa chỉ: 325 Đường Trường Chinh - TP. Nam Định. Điện thoại: (0228) 3849381
Bộ phận cấp phiếu Lý lịch tư pháp: 0228.3636606; Phòng Công chứng số 1: 0228.3528096
Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản: 0228.3836335; Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước: 0228.3526669 
Designed by VNPT Nam Định
  
Chung nhan Tin Nhiem Mang