Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Một số văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực từ tháng 4 năm 2022
Lượt xem: 448

1. Nghị quyết số 17/2022/UBTVQH15 quy định về việc tăng số giờ làm thêm của người lao động (tối đa 60h/tháng)

Ngày 23/3/2022, UBTVQH ban hành Nghị quyết 17/2022/UBTVQH15 về số giờ làm thêm trong 01 năm, trong 01 tháng của NLĐ trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 01/4/2022, quy định về số giờ làm thêm trong 01 năm tại Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 01/01/2022. Theo đó:

Số giờ làm thêm trong 01 năm được quy định tại khoản 1, Điều 1 của Nghị quyết như sau: "Trường hợp người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong 01 năm, trừ các trường hợp sau đây: Người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi; NLĐ từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi; NLĐ là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; NLĐ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; Lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; Lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.  Nghị quyết quy định không áp dụng khoản 1 Điều này đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 107 của Bộ luật Lao động.

Số giờ làm thêm trong 01 tháng được quy định như sau: Trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng NLĐ làm thêm tối đa 300 giờ trong 01 năm có nhu cầu và được sự đồng ý của NLĐ thì được sử dụng NLĐ làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 01 tháng. 

Việc thực hiện quy định về số giờ làm thêm tại Nghị quyết số 17/2022/UBTVQH15 phải tuân thủ đầy đủ các quy định khác có liên quan của Bộ luật Lao động. Khi tổ chức làm thêm giờ quy định nêu trên, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND cấp tỉnh theo quy định tại khoản 4 Điều 107 Bộ luật Lao động.  Đồng thời, người sử dụng lao động có trách nhiệm áp dụng các biện pháp nâng cao năng suất lao động và các biện pháp khác nhằm giảm thiểu việc làm thêm giờ; trong trường hợp phải làm thêm giờ, người sử dụng lao động thực hiện các chế độ phúc lợi bảo đảm cho NLĐ có điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động. 

2. Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn

Chiều 23/3/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 01/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022. Từ ngày 1/1/2023, mức thuế này sẽ quay về mức cũ theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14.

Theo đó: từ ngày 1/4 đến hết ngày 31/12, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn sẽ giảm 50% và thuế bảo vệ môi trường đối với dầu hỏa giảm 70%.

Việc giảm thuế bảo vệ môi trường góp phần trực tiếp làm giảm giá bán lẻ 2.200 đồng/lít đối với xăng; 1.100 đồng/lít đối với dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn; 1.100 đồng/kg đối với mỡ nhờn; 770 đồng/lít đối với dầu hỏa.

Riêng nhiên liệu bay giữ như mức hiện hành đang được giảm là 1.500 đồng/lít theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

3. Quyết định số 206/BTC của Bộ Tài chính về việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử tại 57 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

Ngày 24/2/2022, Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 206/BTC của Bộ Tài chính Về việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử tại 57 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký. Theo đó:

Triển khai áp dụng hóa đơn điện tử đối với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên địa bàn 57 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo danh sách tại phụ lục đính kèm (trừ một số trường hợp không đủ điều kiện theo quy định). Thời gian thực hiện từ tháng 04/2022.

Trước đó, từ tháng 11/2021, hóa đơn điện tử đã được triển khai tại 6 tỉnh, thành phố là: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Phú Thọ, Quảng Ninh, Bình Định.

Sang đến tháng 4/2022, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn lại sẽ được triển khai thực hiện hóa đơn điện tử, bao gồm: Hà Giang, Hà Nam, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hậu Giang, Hòa Bình, Hưng Yên, Khánh Hòa, Lạng Sơn, Lào Cai, Long An, Nam Định, Nghệ An, Ninh Bình, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Sóc Trăng, Sơn La, Yên Bái…

Việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử tại 57 tỉnh, thành phố thực hiện theo quy định về hóa đơn điện tử tại Luật Quản lý thuế, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ và Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17/9/2021 của Bộ Tài chính.

4. Nghị định số 19/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định biện pháp thi hành chế độ, chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng chuyển ngành, công nhân và viên chức quốc phòng thôi việc theo quy định của Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng

Ngày 22/02/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 19/2022/NĐ-CP quy định biện pháp thi hành chế độ, chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng chuyển ngành, công nhân và viên chức quốc phòng thôi việc theo quy định của Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng.          Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/4/2022. Chế độ trợ cấp một lần đối với công nhân và viên chức quốc phòng chuyển ngành, thôi việc quy định tại điểm b khoản 2 Điều 2 và khoản 2 Điều 3 Nghị định này được thực hiện kể từ ngày 01/7/2016. Chế độ phụ cấp thâm niên sau thời gian bảo lưu lương (18 tháng) đối với quân nhân chuyên nghiệp chuyển ngành sang làm việc tại các cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước quy định tại điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị định này được thực hiện đến khi Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Theo đó:

Công nhân, viên chức quốc phòng khi thôi việc sẽ được hưởng các quyền lợi sau:

- Được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội và các chế độ khác (nếu có).

- Được hưởng trợ cấp một lần, cứ mỗi năm công tác được trợ cấp bằng 01 tháng tiền lương của tháng liền kề trước khi thôi việc.

- Trường hợp công nhân, viên chức quốc phòng đã thôi việc về địa phương trong thời gian không quá 01 năm kể từ ngày quyết định thôi việc có hiệu lực thì giải quyết quyền lợi như sau:

Nếu được tuyển dụng vào làm việc tại các cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước: Được thực hiện chế độ chuyển ngành; hoàn trả khoản trợ cấp một lần và trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần (đã nhận).

Nếu được tuyển dụng vào làm việc tại các doanh nghiệp, đơn vị không hưởng lương từ ngân sách nhà nước mà có nguyện vọng được bảo lưu thời gian đóng BHXH: Hoàn trả khoản trợ cấp BHXH một lần (đã nhận).

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Cơ quan thiết lập Trang TTĐT: Sở Tư pháp tỉnh Nam Định. Giấy phép số 01/GP-STTTT cấp ngày 31/01/2019
Địa chỉ: 325 Đường Trường Chinh - TP. Nam Định. Điện thoại: (0228) 3849381
Bộ phận cấp phiếu Lý lịch tư pháp: 0228.3636606; Phòng Công chứng số 1: 0228.3528096
Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản: 0228.3836335; Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước: 0228.3526669 
Designed by VNPT Nam Định
  
Chung nhan Tin Nhiem Mang