Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Nhìn lại 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở
Lượt xem: 365

Thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở (2013-2023), được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Nam Định đã góp phần giải quyết kịp thời, từ gốc mâu thuẫn, xích mích, các tranh chấp trong gia đình, cộng đồng dân cư, duy trì, củng cố tình đoàn kết trong nội bộ Nhân dân, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của nhân dân cũng như của Nhà nước, góp phần giảm bớt khiếu nại, tố cáo, phản ánh kiến nghị của nhân dân…

Để tổ chức thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong 10 năm qua, UBND tỉnh, Sở Tư pháp ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, sơ kết, tổng kết, hướng dẫn Luật, các Đề án về công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tư pháp, UBND cấp huyện, xã đã xây dựng, ban hành và nghiêm túc tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai Luật hòa giải ở cơ sở, triển khai thực hiện Đề án 428 về “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 – 2022”; hàng năm đều ban hành Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác hòa giải tại địa phương. Ngoài ra, trong năm 2009, Sở Tư pháp và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức ký kết Chương trình phối hợp số 01/CTPH-STP-BTTUBMTTQ, trong đó có nội dung phối hợp thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, đồng thời, hướng dẫn, chỉ đạo ngành Tư pháp cấp huyện, xã phối hợp với MTTQ và các tổ chức thành viên trong công tác hòa giải ở cơ sở; UBMTTQ huyện, xã, thị trấn cũng đã tích cực phối hợp, tham gia bầu hòa giải viên, mở rộng, thu hút được nhiều thành phần, nhiều lực lượng tham gia.

Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, kết quả thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Nam Định được đánh giá triển khai toàn diện, để lại những dấu mốc ấn tượng, được nhân dân ủng hộ và đón nhận:   

Trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức hơn 720 hội nghị, tọa đàm, buổi tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề về pháp luật hòa giải ở cơ sở và các lĩnh vực liên quan: đất đai, dân sự, hôn nhân & gia đình... cho 79.024 lượt cán bộ, hòa giải viên cơ sở và nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh (trong đó Hòa giải viên cơ sở: 77.144 lượt người). Đặc biệt, ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến giáo dục pháp luật, năm 2021, năm 2023 Sở Tư pháp đã tổ chức các Hội nghị trực tuyến bồi dưỡng pháp luật về hòa giải và pháp luật liên quan qua phần mềm Zoom cho đội ngũ hòa giải viên cơ sở của tỉnh với khoảng 300 điểm cầu với hàng ngàn lượt người tham dự. Sở cũng biên soạn, biên tập tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở đăng tải lên cổng thông tin điện tử của Sở và gửi văn bản đề nghị các Phòng Tư pháp hướng dẫn cán bộ, công chức và hòa giải viên của huyện nghiên cứu, áp dụng. Biên soạn, biên tập, in ấn và phát hành tài liệu tuyên truyền về Luật hòa giải ở cơ sở, bao gồm: đề cương tuyên truyền Luật, hỏi đáp pháp luật, tờ rơi, tờ gấp tìm hiểu pháp luật, Bản tin Tư pháp, sổ tay pháp luật, tập san chuyên ngành của MTTQ, Hội nông dân....; biên tập các tin, bài tuyên truyền phát trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở.

Để nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, hàng năm, Sở Tư pháp đều phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức từ 05 đến 10 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật về dân sự, hình sự, hôn nhân và gia đình ... và kỹ năng hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên của các địa phương; phối hợp Ủy ban MTTQ, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh tỉnh tổ chức tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng phổ biến pháp luật và hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ cán bộ, hội viên các hội theo các chương trình, kế hoạch phối hợp liên ngành đã ký kết.

Thiết thực hưởng ứng các hoạt động do Bộ Tư pháp phát động, tổ chức thực hiện Kế hoạch tổ chức Hội thi Hoà giải viên viên giỏi toàn quốc lần thứ IV; Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh Nam Định đã chọn Đội dự thi Hội thi gồm 7 hòa giải viên thuộc phường Cửa Bắc, thành phố Nam Định đại diện cho đội ngũ Hoà giải viên của tỉnh tham dự hội thi. Sở Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị các điều kiện cần thiết, thành lập Đoàn công tác và tham gia Vòng khu vực – Hội thi hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ 4 tại thành phố Hải Phòng; kết quả: Sau 02 ngày thi đấu, đội thi của tỉnh Nam Định đã được Ban tổ chức trao Giải thưởng “Đội thi có kiến thức pháp luật tốt”.

Thực hiện Luật hòa giải cơ sở năm 2013 và sự hướng dẫn, chỉ đạo của cấp tỉnh, huyện, UBND các xã, thị trấn đã thường xuyên kiện toàn các tổ hòa giải ở cơ sở đảm bảo cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay, sau khi thực hiện sáp nhập thôn, xóm, tổ dân phố, và kiện toàn lại toàn tỉnh có 2.166 tổ hoà giải ở cơ sở và 14.248 hòa giải viên, trong đó, thành viên tổ hòa giải là Bí thư chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân phố (Trưởng thôn, xóm), thành viên Ban công tác Mặt trận. Tùy theo quy mô dân số, mỗi tổ hòa giải có từ 5 đến 7 thành viên đảm bảo thành phần theo quy định, ngoài ra còn có thêm đại diện của các tổ chức như: Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội Cựu Chiến binh, Hội người cao tuổi, Đoàn thanh niên.... Những thành viên này đều được Ban công tác Mặt trận phối hợp với Chi bộ tín nhiệm, hiệp thương, giới thiệu và được đa số nhân dân tại cơ sở tin tưởng, bầu tham gia tổ hòa giải theo đúng quy định của pháp luật. Với việc thường xuyên rà soát, củng cố, kiện toàn các Tổ hoà giải và hòa giải viên cơ sở tại Nam Định đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tư vấn trong từng vụ việc hoà giải và đội ngũ này đã thực sự là những hạt nhân nòng cốt trong công tác hoà giải ở cơ sở góp phần giữ vững bình yên trong nội bộ Nhân dân.

Sau 10 năm, các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận giải quyết 16.157 vụ việc, trong đó hòa giải thành 11.403 vụ việc, đạt 70,6%. Theo báo cáo của các địa phương, phần lớn các vụ việc được tiếp nhận hòa giải ở cơ sở là các tranh chấp về quyền sử dụng đất còn lại là các vụ việc hôn nhân & gia đình, dân sự... Số vụ việc tiếp nhận hòa giải giảm cho thấy công tác hòa giải đã góp phần giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư, hạn chế khiếu kiện vượt cấp góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận với cơ quan Tư pháp trong công tác hòa giải ở cơ sở

Công tác hòa giải ở cơ sở đã được Mặt trận các cấp quan tâm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn MTTQ cấp xã lồng ghép hoạt động hòa giải trong các phong trào, cuộc vận động tại cộng đồng dân cư, đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, nhằm gắn công tác hòa giải ở cơ sở với nhiệm vụ phát triển văn hóa – xã hội của địa phương, đưa kết quả thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở thành một tiêu chí trong đánh giá thực hiện cuộc vận động, góp phần động viên, tôn vinh, nhân rộng các mô hình, điển hình về hòa giải ở cơ sở. Tích cực phối hợp với chính quyền vận động nhân dân giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn trong gia đình, khu dân cư bằng biện pháp hòa giải, khuyến khích những thành viên của gia đình mình và những cá nhân có uy tín, có chuyên môn và kinh nghiệm hòa giải tham gia tổ hòa giải.

Đạt được kết quả trên có sự đóng góp không nhỏ của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận từ tỉnh đến cơ sở trong việc phối hợp chặt chẽ với ngành Tư pháp, các cơ quan chức năng hướng dẫn công tác hòa giải ở cơ sở gắn với việc thực hiện các phong trào, cuộc vận động do MTTQ Việt Nam phát động và chủ trì...

Nhìn lại chặng đường 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, có thể khẳng định: công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Nam Định đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, góp phần ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật, các mâu thuẫn tranh chấp phát sinh trong cộng đồng dân cư, giữ gìn mối quan hệ đoàn kết gắn bó cộng đồng dân cư, đảm bảo ổn định trật tự, an toàn xã hội…Xác định được vai trò quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở đối với đời sống xã hội, để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, tỉnh Nam Định xác định sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác này cũng như tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức liên quan để triển khai thực hiện; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hòa giải cơ sở; thường xuyên củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

Thu Trang - Phòng PB-TDTHPL

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Cơ quan thiết lập Trang TTĐT: Sở Tư pháp tỉnh Nam Định. Giấy phép số 01/GP-STTTT cấp ngày 31/01/2019
Địa chỉ: 325 Đường Trường Chinh - TP. Nam Định. Điện thoại: (0228) 3849381
Bộ phận cấp phiếu Lý lịch tư pháp: 0228.3636606; Phòng Công chứng số 1: 0228.3528096
Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản: 0228.3836335; Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước: 0228.3526669 
Designed by VNPT Nam Định
  
Chung nhan Tin Nhiem Mang