Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
TÀI LIỆU HƯỚNG DẪN NGHIỆP VỤ VỀ HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ VÀ CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT KHÁC CÓ LIÊN QUAN
Lượt xem: 8355

Căn cứ pháp lý: Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013; Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/2/2014 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở (gọi tắt Nghị định số 15/2014/NĐ-CP)...

 

PHẦN I. TÌNH HUỐNG HỎI ĐÁP PHÁP LUẬTVỀ HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ (30 TÌNH HUỐNG)

          Tình huống 1. Anh Trần Huy Toản, huyện Hải Hậu có hỏi: Hòa giải ở cơ sở là gì. Phạm vi hòa giải ở cơ sở được quy định như thế nào?

          Trả lời:

          Khoản 1, Điều 2 Luật Hòa giải ở cơ sở quy định:  

Hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt
được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi
phạm pháp luật theo quy định của Luật này.

Theo quy định tại Điều 3, Luật Hòa giải ở cơ sở thì phạm vi hòa giải ở cơ sở được quy định như sau:

1. Việc hòa giải ở cơ sở được tiến hành đối với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật, trừ các trường hợp sau đây:

a) Mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng;

b) Vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, giao dịch dân sự mà theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự không được hòa giải;

c) Vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử lý vi phạm hành chính;

d) Mâu thuẫn, tranh chấp khác không được hòa giải ở cơ sở theo quy định pháp luật.

2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Tình huống 2. Chị Trần Thị Thu Hà có hỏi: Tổ chức và hoạt động của hòa giải ở cơ sở đảm bảo theo những nguyên tắc nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 4, Luật Hòa giải ở cơ sở thì việc tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở đảm bảo theo những nguyên tắc sau:

1. Tôn trọng sự tự nguyện của các bên; không bắt buộc, áp đặt các bên trong hòa giải ở cơ sở.

2. Bảo đảm phù hợp với chính sách, pháp luật của Nhà nước, đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân; phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư; quan tâm đến quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật và người cao tuổi.

3. Khách quan, công bằng, kịp thời, có lý, có tình; giữ bí mật thông tin đời tư của các bên, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 10 của Luật này.

4. Tôn trọng ý chí, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng.

5. Bảo đảm bình đẳng giới trong tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở.

6. Không lợi dụng hòa giải ở cơ sở để ngăn cản các bên liên quan bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật hoặc trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính, xử lý về hình sự.

Tình huống 3. Anh Trần Văn Thảo huyện Nghĩa Hưng có hỏi: Chính sách của nhà nước về hòa giải ở cơ sở là gì?

Trả lời:

Theo Điều 5, Luật Hòa giải ở cơ sở, chính sách của Nhà nước về hòa giải ở cơ sở bao gồm:

1. Khuyến khích các bên giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp bằng hình thức hòa giải ở cơ sở và các hình thức hòa giải thích hợp khác.

Khuyến khích những người có uy tín trong gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư tham gia hòa giải ở cơ sở và tham gia các hình thức hòa giải thích hợp khác.

2. Phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong công tác hòa giải ở cơ sở.

3. Tạo điều kiện, hỗ trợ cho hoạt động hòa giải ở cơ sở; khuyến khích tổ chức, cá nhân đóng góp, hỗ trợ cho hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Tình huống 4. Chị Trần Thị Thu Hằng có hỏi: Kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở được quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 6, Luật Hòa giải ở cơ sở thì nhà nước hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở như sau:

1. Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở để biên soạn, phát hành tài liệu; tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng về hòa giải ở cơ sở; sơ kết, tổng kết, khen thưởng đối với công tác hòa giải ở cơ sở; chi thù lao cho hòa giải viên theo vụ, việc và hỗ trợ các chi phí cần thiết khác cho hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Ngân sách trung ương chi bổ sung cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách để hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở.

2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Tình huống 5. Anh Phạm Hoàng Hiệp có hỏi: Pháp luật có quy định như thế nào về việc cá nhân tham gia hòa giải ở cơ sở; tổ chức, cá nhân đóng góp hỗ trợ công tác hòa giải ở cơ sở?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP thì Nhà nước khuyến khích cá nhân tham gia hòa giải ở cơ sở: “ Cá nhân có uy tín trong gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư tham gia hòa giải ở cơ sở được Nhà nước hỗ trợ tài liệu, được phổ biến pháp luật phục vụ hoạt động hòa giải ở cơ sở; được khen thưởng khi tham gia tích cực hoạt động hòa giải ở cơ sở”.

Điều 3, Nghị định số 15/2014/NĐ-CP khuyến khích tổ chức, cá nhân đóng góp, hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở: "1. Tổ chức, cá nhân đóng góp, hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở được Nhà nước cung cấp thông tin miễn phí về chính sách, pháp luật liên quan; được khen thưởng khi có đóng góp, hỗ trợ tích cực cho công tác hòa giải ở cơ sở.

2. Tổ chức của Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp khác về pháp luật, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật hỗ trợ tài liệu phục vụ hoạt động hòa giải ở cơ sở; phổ biến pháp luật về hòa giải ở cơ sở; hỗ trợ tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật, nghiệp vụ cho hòa giải viên; tạo điều kiện cho thành viên, hội viên của tổ chức mình tham gia hòa giải ở cơ sở thì được khen thưởng”

Tình huống 6. Chị Trần Thúy Hằng, thành phố Nam Định có hỏi: Tôi muốn làm hòa giải viên, vậy tôi phải đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn gì ?

Trả lời:

Điều 7, Luật Hòa giải viên ở cơ sở quy định:

Người được bầu làm hòa giải viên phải là công dân Việt Nam thường trú tại cơ sở, tự nguyện tham gia hoạt động hòa giải và có các tiêu chuẩn sau đây:

1. Có phẩm chất đạo đức tốt; có uy tín trong cộng đồng dân cư;

2. Có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân; có hiểu biết pháp luật.

          Tình huống 7. Anh Trần Văn Đức, huyện Xuân Trường có hỏi: Hòa giải viên có những quyền gì?

          Trả lời:

  Điều 9, Luật Hòa giải ở cơ sở quy định Hòa giải viên có những quyền sau:

1. Thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở.

2. Đề nghị các bên có liên quan cung cấp tài liệu, thông tin liên quan đến vụ, việc hòa giải.

3. Tham gia sinh hoạt, thảo luận và quyết định nội dung, phương thức hoạt động của tổ hòa giải.

4. Được bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải; được cung cấp tài liệu liên quan đến hoạt động hòa giải.

5. Hưởng thù lao theo vụ, việc khi thực hiện hòa giải.

6. Được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.

7. Được hỗ trợ, tạo điều kiện để khắc phục hậu quả nếu gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải.

8. Kiến nghị, đề xuất về các vấn đề liên quan đến hoạt động hòa giải.

9. Chính phủ quy định chi tiết khoản 5 và khoản 7 Điều này.

Tình huống 8. Chị Trần Thị Kim Ngân, huyện Giao Thủy có hỏi: Tôi là một hòa giải viên tôi muốn biết nghĩa vụ hòa giải viên được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời:

Điều 10, Luật Hòa giải viên ở cơ sở quy định:

 Nghĩa vụ của hòa giải viên

1. Thực hiện hòa giải khi có căn cứ theo quy định tại Điều 16 của Luật này.

2. Tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Điều 4 của Luật này.

3. Từ chối tiến hành hòa giải nếu bản thân có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ, việc hòa giải hoặc vì lý do khác dẫn đến không thể bảo đảm khách quan, công bằng trong hòa giải.

4. Thông báo kịp thời cho tổ trưởng tổ hòa giải để báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có biện pháp phòng ngừa trong trường hợp thấy mâu thuẫn, tranh chấp nghiêm trọng có thể dẫn đến hành vi bạo lực gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng của các bên hoặc gây mất trật tự công cộng.

5. Thông báo kịp thời cho tổ trưởng tổ hòa giải để báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý trong trường hợp phát hiện mâu thuẫn, tranh chấp có dấu hiệu vi phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc pháp luật về hình sự.

Tình huống 9. Chị Trần Thu Hải, huyện Vụ Bản có hỏi: Tôi là một hòa giải viên, nay vì lý do gia đình, tôi muốn thôi làm hòa giải viên, Vậy tôi muốn hỏi việc thôi làm hòa giải viên được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời:

Điều 11, Luật Hòa giải viên quy định:

1. Việc thôi làm hòa giải viên được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Theo nguyện vọng của hòa giải viên;

b) Hòa giải viên không còn đáp ứng một trong các tiêu chuẩn quy định tại Điều 7 của Luật này;

c) Vi phạm nguyên tắc tổ chức, hoạt động hòa giải ở cơ sở theo quy định tại Điều 4 của Luật này hoặc không có điều kiện tiếp tục làm hòa giải viên do bị xử lý vi phạm pháp luật.

2. Trường hợp thôi làm hòa giải viên quy định tại khoản 1 Điều này thì tổ trưởng tổ hòa giải đề nghị Trưởng ban công tác Mặt trận phối hợp với trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố làm văn bản đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định thôi làm hòa giải viên.

Trường hợp thôi làm hòa giải viên đối với tổ trưởng tổ hòa giải thì Trưởng ban công tác Mặt trận phối hợp với trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố làm văn bản đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định thôi làm hòa giải viên.

3. Quyết định thôi làm hòa giải viên được gửi Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, Trưởng ban công tác Mặt trận, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, hòa giải viên và thông báo công khai ở thôn, tổ dân phố.

Tình huống10. Chị Vũ Thị Tuyết, huyện Nam Trực có hỏi: Pháp luật quy định thủ tục thanh toán thù lao cho hòa giải viên như thế nào?

Điều 15 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP quy định thủ tục thanh toán thù lao
cho hòa giải viên như sau:

1. Tổ trưởng tổ hòa giải lập hồ sơ đề nghị thanh toán thù lao cho hòa giải viên, bao gồm: Giấy đề nghị thanh toán thù lao của hòa giải viên có ghi rõ họ, tên, địa chỉ của hòa giải viên; tên, địa chỉ tổ hòa giải; số tiền đề nghị thanh toán; nội dung thanh toán (có danh sách các vụ, việc trong trường hợp đề nghị thanh toán thù lao cho nhiều vụ, việc); chữ ký của hòa giải viên; chữ ký xác nhận của tổ trưởng tổ hòa giải và xuất trình Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở để đối chiếu khi cần thiết.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định và trả thù lao cho hòa giải viên thông qua tổ hòa giải; trường hợp quyết định không thanh toán cho hòa giải viên thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. 

3. Tổ hòa giải thực hiện trả thù lao cho hòa giải viên theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được thù lao.

Tình huống 11. Anh Nguyễn Văn Nam, huyện Trực Ninh có hỏi: Tổ hòa giải là gì? Cơ cấu của tổ hòa giải được quy định như thế nào?

Trả lời:

Khoản 5, Điều 2 Luật Hòa giải ở cơ sở quy định: “ Tổ hòa giải là tổ chức tự quản của nhân dân được thành lập ở cơ sở để hoạt động hòa giải theo quy định của Luật này”.

Điều 12, Luật Hòa giải ở cơ sở quy định:

1. Tổ hòa giải có tổ trưởng và các hòa giải viên. Mỗi tổ hòa giải có từ 03 hòa giải viên trở lên, trong đó có hòa giải viên nữ. Đối với vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, tổ hòa giải phải có hòa giải viên là người dân tộc thiểu số.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định số lượng tổ hòa giải, hòa giải viên trong một tổ hòa giải căn cứ vào đặc điểm, tình hình kinh tế - xã hội, dân số của địa phương và đề nghị của Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.

3. Hằng năm, Trưởng ban công tác Mặt trận chủ trì phối hợp với tổ trưởng tổ hòa giải tiến hành rà soát, đánh giá về tổ chức, hoạt động của tổ hòa giải và kiến nghị Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã để đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã kiện toàn tổ hòa giải.

Tình huống 12. Chị Nguyễn Ngọc Trâm, huyện Ý Yên có hỏi: Trách nhiệm của tổ hòa giải được quy định như thế nào?

Trả lời:

Điều 13, Luật Hòa giải ở cơ sở quy định về trách nhiệm của tổ hòa giải như sau:

1. Tổ chức thực hiện hòa giải.

2. Tổ chức trao đổi kinh nghiệm, thảo luận các giải pháp để tiến hành hòa giải vụ, việc phức tạp.

3. Phối hợp với Ban công tác Mặt trận, Chi hội phụ nữ, Chi đoàn thanh niên, Chi hội cựu chiến binh, Chi hội nông dân, Chi hội người cao tuổi, các tổ hòa giải và tổ chức, cá nhân khác trong hoạt động hòa giải ở cơ sở.

4. Kiến nghị với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, Uỷ ban nhân dân cấp xã về hoạt động hòa giải ở cơ sở, các điều kiện cần thiết cho hoạt động hòa giải ở cơ sở.

5. Đề nghị khen thưởng tổ hòa giải, hòa giải viên có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải.

          Tình huống 13. Anh Phạm Quang Ngọc, huyện Nghĩa Hưng có hỏi: Tổ trưởng tổ hòa giải là gì? Quyền và nghĩa vụ của tổ trưởng tổ hòa giải được quy định như thế nào?

          Trả lời:

          Điều 14, Luật Hòa giải ở cơ sở quy định:

1. Tổ trưởng tổ hòa giải do hòa giải viên bầu trong số các hòa giải viên để phụ trách tổ hòa giải.

2. Việc bầu tổ trưởng tổ hòa giải được thực hiện dưới sự chủ trì của Trưởng ban công tác Mặt trận bằng hình thức biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín. Kết quả bầu tổ trưởng tổ hòa giải được lập thành văn bản và gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã để ra quyết định công nhận.

Điều 15, Luật Hòa giải ở cơ sở quy định quyền và nghĩa vụ của tổ trưởng tổ hòa giải như sau:

1.  Phân công, phối hợp hoạt động của các hòa giải viên.

2. Đại diện cho tổ hòa giải trong quan hệ với Trưởng ban công tác Mặt trận, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trong thực hiện trách nhiệm của tổ hòa giải.

3. Đề nghị cho thôi làm hòa giải viên theo quy định tại khoản 2 Điều 11 của Luật này.

4. Báo cáo kịp thời với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan có thẩm quyền về các vụ, việc theo quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 10 của Luật này.

5. Báo cáo hằng năm và báo cáo đột xuất về tổ chức và hoạt động của tổ hòa giải với Ủy ban nhân dân, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã. 

6. Phối hợp với tổ trưởng tổ hòa giải khác để trao đổi kinh nghiệm hoặc tiến hành hòa giải những vụ, việc liên quan đến các thôn, tổ dân phố khác nhau.  

7. Có các quyền, nghĩa vụ của hòa giải viên quy định tại Điều 9 và Điều 10 của Luật này.

            Tình huống 14. Anh Trần Văn Đức, thành phố Nam Định có hỏi: Việc hòa giải ở cơ sở được tiến hành khi nào? Pháp luật quy định như thế nào về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hòa giải?

          Trả lời:

  Điều 16, Luật Hòa giải ở cơ sở quy định:

Hòa giải ở cơ sở được tiến hành khi có một trong các căn cứ sau đây:

1. Một bên hoặc các bên yêu cầu hòa giải;

2. Hòa giải viên chứng kiến hoặc biết vụ, việc thuộc phạm vi hòa giải;

3. Theo phân công của tổ trưởng tổ hòa giải hoặc đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Theo Điều 17, Luật Hòa giải ở cơ sở thì quyền và nghĩa vụ của các bên trong hòa giải được quy định như sau:

1. Lựa chọn, đề xuất hòa giải viên, địa điểm, thời gian để tiến hành hòa giải.

2. Đồng ý hoặc từ chối hòa giải; yêu cầu tạm dừng hoặc chấm dứt hòa giải.

3. Yêu cầu việc hòa giải được tiến hành công khai hoặc không công khai. 

4. Được bày tỏ ý chí và quyết định về nội dung giải quyết hòa giải.

5. Trình bày đúng sự thật các tình tiết của vụ, việc; cung cấp tài liệu, chứng cứ có liên quan.

6. Tôn trọng hòa giải viên, quyền của các bên có liên quan.

7. Không gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại địa điểm hòa giải.

Tình huống 15. Chị Nguyễn Thu Thủy, huyện Vụ Bản có hỏi: địa điểm, thời gian hòa giải được quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo Điều 20, Luật Hòa giải ở cơ sở:

1. Địa điểm hòa giải là nơi xảy ra vụ, việc hoặc nơi do các bên hoặc hòa giải viên lựa chọn, bảo đảm thuận lợi cho các bên.

2. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày được phân công, hòa giải viên bắt đầu tiến hành hòa giải, trừ trường hợp cần thiết phải hòa giải ngay khi chứng kiến vụ, việc hoặc các bên có thỏa thuận khác về thời gian hòa giải.

  Tình huống 16. Hòa giải thành là gì? văn bản hòa giải thành gồm những nội dung gì?

Trả lời:

Điều 24, Luật Hòa giải ở cơ sở quy định:

1. Hòa giải thành là trường hợp các bên đạt được thỏa thuận.

2. Các bên có thể thỏa thuận lập văn bản hòa giải thành gồm các nội dung chính sau đây:

a) Căn cứ tiến hành hòa giải;

b) Thông tin cơ bản về các bên;

c) Nội dung chủ yếu của vụ, việc;

d) Diễn biến của quá trình hòa giải;

đ) Thỏa thuận đạt được và giải pháp thực hiện;

e) Quyền và nghĩa vụ của các bên;

g) Phương thức, thời hạn thực hiện thỏa thuận;

h) Chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên và của hòa giải viên.

Tình huống 17. Chị Trần Quỳnh Nga, huyện Mỹ Lộc có hỏi: Quy định của pháp luật về trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong việc theo dõi, đôn đốc thực hiện thỏa thuận hòa giải thành?

          Trả lời:

Theo Điều 9, Nghị định số 15/2014/NĐ-CP thì trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong việc theo dõi, đôn đốc thực hiện thỏa thuận hòa giải thành được quy định như sau:

Hòa giải viên, tổ trưởng tổ hòa giải có trách nhiệm thực hiện Điều 26 của Luật hòa giải ở cơ sở. Trong trường hợp tổ trưởng tổ hòa giải báo cáo có vấn đề phát sinh khi thực hiện thỏa thuận hòa giải thành, thì Trưởng ban công tác Mặt trận chủ trì, phối hợp với trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, gia đình, dòng họ, người có uy tín vận động, thuyết phục, có biện pháp giải quyết kịp thời vấn đề phát sinh đó.

Tình huống 18. Hòa giải không thành là gì? Giải quyết các trường hợp hòa giải không thành?

Trả lời:

Điều 27, Luật Hòa giải ở cơ sở quy định: Hòa giải không thành là trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận. Trong trường hợp này, các bên có quyền yêu cầu tiếp tục hòa giải hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Điều 10, Nghị định số 15/2014/NĐ-CP quy định về việc giải quyết trường hợp hòa giải không thành như sau:

1. Trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận và cả hai bên yêu cầu tiếp tục hòa giải, thì hòa giải viên tiếp tục tiến hành hòa giải.

2. Trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận và một bên yêu cầu tiếp tục hòa giải, nhưng có căn cứ cho rằng việc tiếp tục hòa giải không thể đạt kết quả thì hòa giải viên quyết định kết thúc hòa giải theo quy định tại Khoản 3 Điều 23 của Luật hòa giải ở cơ sở và hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

3. Trường hợp các bên yêu cầu lập văn bản hòa giải không thành, thì hòa giải viên lập văn bản, ghi rõ thông tin cơ bản về các bên; nội dung chủ yếu của vụ, việc; yêu cầu của các bên; lý do hòa giải không thành; chữ ký của hòa giải viên.

Tình huống 19. Anh Hoàng Văn Kiên, huyện Giao Thủy có hỏi: việc phân công hòa giải viên được quy định như thế nào?

Trả lời:

Điều 18, Luật Hòa giải ở cơ sở quy định:

1. Tổ trưởng tổ hòa giải phân công hòa giải viên tiến hành hòa giải trong trường hợp các bên không lựa chọn hòa giải viên.

2. Tổ trưởng tổ hòa giải không phân công hòa giải viên tiến hành hòa giải nếu có căn cứ cho rằng hòa giải viên có quyền, lợi ích, nghĩa vụ liên quan đến vụ, việc hòa giải hoặc có lý do khác dẫn đến không thể bảo đảm khách quan, công bằng trong hòa giải.

3. Trong quá trình hòa giải, nếu hòa giải viên vi phạm nguyên tắc hoạt động hòa giải hoặc nghĩa vụ khác của hòa giải viên thì tổ trưởng tổ hòa giải phân công hòa giải viên khác thực hiện việc hòa giải.

Tình huống 20. Chị Nguyễn Thị Kim, thành phố Nam Định có hỏi: việc Hòa giải giữa các bên ở thôn, tổ dân phố khác nhau được quy định thế nào?

Trả lời:

Điều 22, Luật Hòa giải ở cơ sở quy định:

Trường hợp các bên ở thôn, tổ dân phố khác nhau thì tổ hòa giải ở thôn, tổ dân phố đó phối hợp thực hiện việc hòa giải và thông báo với Trưởng ban công tác Mặt trận tại nơi đó cùng phối hợp thực hiện.

Cụ thể Điều 8, Nghị định số 15/2014/NĐ-CP thì việc hòa giải giữa các bên ở thôn, tổ dân phố khác nhau được thực hiện như sau:

1. Trong trường hợp các bên ở thôn, tổ dân phố khác nhau, thì tổ trưởng tổ hòa giải hoặc hòa giải viên được phân công hòa giải ở các thôn, tổ dân phố đó phối hợp, trao đổi thông tin, bàn về biện pháp tiến hành hòa giải và thông báo với Trưởng ban công tác Mặt trận tại nơi đó cùng phối hợp giải quyết.

2. Các hòa giải viên cùng tiến hành hòa giải và thông báo kịp thời với tổ trưởng tổ hòa giải về kết quả hòa giải.

Tình huống 21

Anh Phạm Ngọc Khuyến, thành phố Nam Định có hỏi: Pháp luật quy định những trường hợp nào thì không được hòa giải?

Khoản 2, Điều 5 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP quy định:

Không hòa giải các trường hợp sau đây:

a) Mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng;

b) Vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình mà theo quy định của pháp luật phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết, giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội;

c) Vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trừ các trường hợp quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều này;

d) Vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị xử lý vi phạm hành chính, trừ các trường hợp quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều này;

đ) Mâu thuẫn, tranh chấp khác không được hòa giải ở cơ sở quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 3 của Luật hòa giải ở cơ sở, bao gồm:

Hòa giải tranh chấp về thương mại được thực hiện theo quy định của Luật thương mại và các văn bản hướng dẫn thi hành;

Hòa giải tranh chấp về lao động được thực hiện theo quy định của Bộ luật lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Tình huống 22. Chị Lê Quỳnh Trang, huyện Hải Hậu có hỏi: Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở gồm những nội dung gì? Ai là người có trách nhiệm lưu giữ sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở?

Trả lời:

Điều 11, Nghị định số 15/2014/NĐ-CP quy định:

1. Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở nội dung chủ yếu sau đây:

a) Ngày, tháng, năm nhận vụ, việc hoà giải;

b) Họ, tên, tuổi, địa chỉ của các bên; người có liên quan đến vụ, việc hoà giải;

c) Họ, tên của hòa giải viên, người được mời tham gia hoà giải (nếu có);

d) Nội dung chủ yếu của vụ, việc và yêu cầu của các bên;

đ) Kết quả hòa giải;

e) Chữ ký của hòa giải viên; người chứng kiến việc hòa giải và người được mời tham gia hòa giải (nếu có).

2. Sau khi kết thúc hòa giải, hòa giải viên có trách nhiệm ghi nội dung vụ, việc hòa giải vào Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở và chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung ghi sổ.

3. Tổ trưởng tổ hòa giải có trách nhiệm lưu giữ, đôn đốc việc ghi Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Tình huống 23. Anh Hoàng Hà, huyện Nghĩa Hưng có hỏi: khi hòa giải viên thực hiện hoạt động hòa giải mà không may gặp tai nạn, rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe thì việc xác định thời điểm không may gặp tai nạn, rủi ro để được hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước được quy định như thế nào?

Trả lời:

Điều 16. Nghị định số 15/2014/NĐ-CP quy định trường hợp hòa giải viên được hỗ trợ khi gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trong khi thực hiện hòa giải khi:

1. Bị tai nạn hoặc rủi ro trong khi đang thực hiện hòa giải.

2. Bị tai nạn hoặc rủi ro trên đường đi và về từ nơi ở đến địa điểm thực hiện hòa giải trên tuyến đường và trong khoảng thời gian hợp lý.

Tình huống 24. Chị Nguyễn Thị Thu Hường, huyện Giao Thủy có hỏi: Tôi là một hòa giải viên tôi muốn biết trong khi thực hiện việc hòa giải, hòa giải viên gặp tai nạn, hoặc rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng thì hòa giải viên có được hưởng chính sách hỗ trợ không? Và các khoản hỗ trợ đó được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời:

Điều 17, Nghị định số 15/2014/ NĐ-CP quy định:  

1. Hòa giải viên khi gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe trong khi thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở được hỗ trợ như sau:

a) Chi phí cần thiết, hợp lý cho việc cứu chữa, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất hoặc giảm sút;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút; nếu thu nhập thực tế của hòa giải viên không ổn định hoặc không thể xác định được thì áp dụng cách tính theo thu nhập bình quân hàng ngày của người làm công ăn lương chia theo khu vực thành thị, nông thôn, loại hình kinh tế ngoài nhà nước trong thời gian cứu chữa, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất hoặc giảm sút.

2. Gia đình của hòa giải viên bị thiệt hại về tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở được hỗ trợ một lần bằng tiền để chi phí cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc hòa giải viên trước khi chết; người tổ chức mai táng được hỗ trợ chi phí cho việc mai táng.

Tình huống 25. Anh Nguyễn Đức Thuận, huyện Xuân Trường có hỏi: pháp luật quy định thế nào về thủ tục thực hiện hỗ trợ khi hòa giải viên gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải?

Trả lời:

 Điều 18, Nghị định 15/2014/NĐ-CP quy định:

1. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ được lập thành 01 bộ, bao gồm:

a) Giấy đề nghị hỗ trợ của hòa giải viên hoặc gia đình hòa giải viên trong trường hợp hòa giải viên bị thiệt hại về tính mạng có xác nhận của tổ trưởng tổ hòa giải hoặc Trưởng ban công tác Mặt trận trong trường hợp hòa giải viên bị thiệt hại là tổ trưởng tổ hòa giải. Giấy đề nghị hỗ trợ phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của người yêu cầu hỗ trợ; lý do yêu cầu hỗ trợ;

b) Biên bản xác nhận tình trạng của hòa giải viên bị tai nạn có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra tai nạn hoặc cơ quan công an nơi xảy ra tai nạn (bản chính hoặc bản sao có chứng thực trong trường hợp gửi qua đường bưu điện; bản phô tô và bản chính để đối chiếu trong trường hợp nộp trực tiếp);

c) Giấy ra viện, hóa đơn thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh (bản chính hoặc bản sao có chứng thực trong trường hợp gửi qua đường bưu điện; bản phô tô và bản chính để đối chiếu trong trường hợp nộp trực tiếp);

d) Văn bản, giấy tờ hợp lệ về thu nhập thực tế theo tiền lương, tiền công hằng tháng của người bị tai nạn có xác nhận của tổ chức hoặc cá nhân sử dụng lao động để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút (bản chính hoặc bản sao có chứng thực trong trường hợp gửi qua đường bưu điện; bản phô tô và bản chính để đối chiếu trong trường hợp nộp trực tiếp), bao gồm: Hợp đồng lao động, quyết định nâng lương của tổ chức hoặc cá nhân sử dụng lao động hoặc bản kê có thu nhập thực tế của hòa giải viên bị tai nạn và các giấy tờ chứng minh thu nhập thực tế hợp pháp khác (nếu có);

đ) Giấy chứng tử trong trường hợp hòa giải viên bị thiệt hại về tính mạng (bản chính hoặc bản sao có chứng thực trong trường hợp gửi qua đường bưu điện; bản phô tô và bản chính để đối chiếu trong trường hợp nộp trực tiếp).

2. Hòa giải viên hoặc gia đình hòa giải viên trong trường hợp hòa giải viên bị thiệt hại về tính mạng nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo quy định tại Khoản 1 Điều này đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã ra quyết định công nhận hòa giải viên.

3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, có văn bản đề nghị gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện kèm theo hồ sơ đề nghị hỗ trợ.

4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, ra quyết định hỗ trợ; trường hợp không hỗ trợ thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. 

5. Chậm nhất sau 03 ngày làm việc, kể từ ngày ngày nhận được quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện việc chi tiền hỗ trợ.

Tình huống 26. Anh Hồ Khắc Ngọc, huyện Trực Ninh có hỏi: Những đối tượng nào được mời tham gia hòa giải? Việc mời tham gia hòa giải có bắt buộc không?

Trả lời:

Điều 19, Luật Hòa giải ở cơ sở quy định:

1. Trong quá trình hòa giải, nếu thấy cần thiết, hòa giải viên và một trong các bên khi được sự đồng ý của bên kia có thể mời người có uy tín trong dòng họ, ở nơi sinh sống, nơi làm việc; người có trình độ pháp lý, có kiến thức xã hội; già làng , chức sắc tôn giáo, người biết rõ vụ, việc; đại diện của cơ quan, tổ chức hoặc người có uy tín khác tham gia hòa giải.

2. Người được mời tham gia hòa giải phải tuân thủ các nguyên tắc hoạt động hòa giải ở cơ sở.

3. Cơ quan, tổ chức có người được mời tham gia hòa giải có trách nhiệm tạo điều kiện để họ tham gia hòa giải.

Như vậy việc mời tham gia hòa giải không phải bắt buộc, mà trong quá trình hòa giải, nếu thấy cần thiết thì có thể mời cá nhân có liên quan tham gia hòa giải.

Tình huống 27. Chị Trần Thúy Nga, huyện Mỹ Lộc có hỏi: quy định của pháp luật về trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong hoạt động hòa giải ở cơ sở?

          Trả lời:

Điều 30, Luật Hòa giải ở cơ sở quy định:

1. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tham gia quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở; vận động tổ chức, cá nhân chấp hành pháp luật, giám sát việc thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở; phối hợp kiểm tra, sơ kết, tổng kết và khen thưởng về hòa giải ở cơ sở.

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tham gia tổ chức thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở.

2. Các tổ chức thành viên của Mặt trận trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật.

Tình huống 28. Anh Trần Minh Ngọc, thành phố Nam Định có hỏi: Hòa giải phải được tiến hành trực tiếp, bằng lời nói có đúng không? Việc tiến hành hòa giải được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Đúng, Điều 21, Luật Hòa giải ở cơ sở quy định:

1. Hòa giải được tiến hành trực tiếp, bằng lời nói với sự có mặt của các bên. Trong trường hợp các bên có người khuyết tật thì có sự hỗ trợ phù hợp để có thể tham gia hòa giải.

2. Hòa giải được tiến hành công khai hoặc không công khai theo ý kiến thống nhất của các bên.

3. Tùy thuộc vào vụ, việc cụ thể, trên cơ sở quy định của pháp luật, đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân, hòa giải viên áp dụng các biện pháp thích hợp nhằm giúp các bên hiểu rõ về quyền lợi, trách nhiệm của mỗi bên trong vụ, việc để các bên thỏa thuận việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp và tự nguyện thực hiện thỏa thuận đó.

 Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, hòa giải viên hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

4. Hòa giải viên có trách nhiệm ghi nội dung vụ, việc hòa giải vào Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Trường hợp các bên đồng ý thì lập văn bản hòa giải thành theo quy định tại khoản 2 Điều 24 của Luật này.

Tình huống 29. Chị Trần Thị Vân Anh, huyện Ý Yên có hỏi: Khi nào thì hòa giải kết thúc?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 23, Luật Hòa giải ở cơ sở thì kết thúc hòa giải trong các trường hợp sau:

1. Các bên đạt được thỏa thuận.

2. Một bên hoặc các bên yêu cầu chấm dứt hòa giải.

3. Hòa giải viên quyết định kết thúc hòa giải khi các bên không thể đạt được thỏa thuận và việc tiếp tục hòa giải cũng không thể đạt được kết quả.

Tình huống 30.

Anh Trần Hùng Cường, thành phố Nam Định có hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về trách nhiệm của UBND các cấp trong hoạt động hòa giải ở cơ sở?

Trả lời:

  Điều 29, Luật Hòa giải ở cơ sở quy định:

1. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện) trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở tại địa phương; trình dự toán kinh phí hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở tại địa phương để Hội đồng nhân dân có thẩm quyền xem xét quyết định; tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

2. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm:

a) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về hòa giải ở cơ sở; xây dựng dự toán kinh phí hỗ trợ cho hoạt động hòa giải; thành lập, kiện toàn tổ hòa giải và công nhận tổ trưởng tổ hòa giải, hòa giải viên tại địa phương;

b) Chủ trì phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết và khen thưởng về hòa giải ở cơ sở.

c) Báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp, Ủy ban nhân dân cấp huyện kết quả thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở. 

PHẦN II. MỘT SỐ TÌNH HUỐNG HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ TRONG
LĨNH VỰC DÂN SỰ, HÔN NHÂN & GIA ĐÌNH (20 TÌNH HUỐNG)

1. TÌNH HUỐNG HÒA GIẢI LIÊN QUAN ĐẾN PHÁP LUẬT DÂN SỰ (10 TÌNH HUỐNG)

Tình huống 1.

Ông Nguyễn Văn H và ông Nguyễn Văn N là 02 chủ ruộng liền kề. Vụ lúa Đông Xuân vừa qua, ông N quyết định không trồng lúa nữa mà chuyển sang nuôi tôm; còn ông H chưa có điều kiện nên vẫn làm lúa như bà con xung quanh.

Do ông N nuôi tôm nên trong ruộng lúc nào cũng cần nước canh tác. Trong khi đó, ông H gần tới ngày thu hoạch lúa thì ruộng cần phải khô ráo để máy cắt không bị lún, nhưng do mực nước trong ao tôm của ông N nhiều hơn, nên nước cứ chảy sang đám ruộng của ông H. Đến khi thu hoạch lúa, máy gặt đập không cắt được một phần là do đất nhão nên bị lún. Ông H rất bức xúc và tìm đến tổ hòa giải để được can thiệp và giải quyết. Tổ hòa giải cần thực hiện hòa giải tranh chấp này như thế nào?

Trả lời:

Sau khi tiếp nhận vụ việc, tổ hòa giải phải tiến hành gặp gỡ, tiếp xúc với các bên mâu thuẫn, tranh chấp để tìm hiểu nguyên nhân xảy ra mâu thuẫn và kiểm tra thực tế nơi xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp, đồng thời động viên hai bên hàn gắn tình làng, nghĩa xóm đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Mâu thuẫn giữa nhà ông H và ông N được tổ hòa giải xác định là do nước từ ao tôm của ông N chảy qua nên không thu hoạch được lúa.

Tiếp đến, tổ hòa giải thực hiện nghiên cứu văn bản pháp luật có liên quan (Điều 170 Luật Đất đai năm 2013 quy định về nghĩa vụ của người sử dụng đất). Cụ thể, người sử dụng đất có nghĩa vụ sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân theo các quy định khác của pháp luật có liên quan. Thực hiện kê khai đăng ký đất đai; làm đầy đủ thủ tục khi chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật. Thực hiện các biện pháp bảo vệ đất. Tuân theo các quy định về bảo vệ môi trường, không làm tổn hại đến lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất có liên quan...

Trên cơ sở nội dung vụ việc và quy định của pháp luật có liên quan, kết hợp với đạo lý truyền thống, tổ hòa giải đã tiến hành phân tích, giải thích rõ quyền và nghĩa vụ của các bên theo quy định của pháp luật, cũng như tiến hành phân tích, giúp các bên hiểu rõ bản chất vụ việc một cách thấu tình đạt lý:

- Đối với ông N, động viên ông nên chịu một khoản chi phí do phải thuê người cắt lúa (cắt thủ công), đồng thời hướng dẫn ông N liên hệ với UBND xã để được thực hiện các thủ tục đúng quy định về việc chuyển mục đích sử dụng đất.

- Đối với ông H, tổ hòa giải động viên ông nên thông cảm bỏ qua cho ông N vì ông N đã biết lỗi và còn hỗ trợ phần thiệt hại đã gây ra.

Tình huống 2.

Ông Nguyễn Văn A, bà Nguyễn Thị B và bà Nguyễn Thị C là anh chị em ruột. 3 ông bà sống trên đất bố mẹ để lại và có 1 lối đi chung. Gia đình bà B và bà C ở phía sau nhà ông A, muốn đi ra đường thì phải đi qua đất nhà ông A, lối đi này to rộng và đã có từ lúc cha mẹ của ông bà còn sống. Tuy nhiên, hiện nay lối đi chung này đã bị gia đình ông A thu hẹp lại gây khó khăn cho việc đi lại của 02 gia đình Bà B và bà C. 2 bà đã nhiều lần nói với ông A mở lại lối đi như cũ nhưng ông A không đồng ý. Ông A cho rằng ông là trưởng lối đi qua nhà ông nên có toàn quyền quyết định.

Vì vậy, bà B và bà C làm đơn đề nghị tổ hòa giải ấp tiến hành hòa giải để 02 gia đình có lối đi ra đường chính thuận tiện nhất. Trong tình huống này hòa giải viên cần phải làm gì để giải quyết mâu thuẫn?

Trả lời:

Sau khi tìm hiểu rõ bản chất sự việc, nhận thấy đây là tranh chấp về lối đi qua bất động sản liền kề, hòa giải viên đến gặp ông A, giải thích cho ông hiểu quy định tại Điều 254 Bộ luật dân sự năm 2015. Cụ thể, Điều luật này quy định:  “Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ”. Như vậy, theo quy định này, ông A có nghĩa vụ dành cho gia đình bà B và bà C lối đi được mở trên đất của ông sao cho thuận tiện và hợp lý nhất.

Hòa giải viên đã phân tích các quy định của Bộ luật dân sự “quyền về lối đi qua”; đồng thời, khơi gợi tình cảm anh em ruột thịt “như thể tay chân” giữa 03 anh em để ông A nhận thấy việc làm của mình là chưa đúng mà có hành động trả lại lối đi tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại cho gia đình các em ông.  

Tình huống 3.

Ông Lê Văn T và ông Lê Văn B có đất giáp ranh với nhau. Đất của ông B thì ông sử dụng vào việc trồng dừa tuy nhiên một cây dừa của ông B ngả về hướng nhà ông T. Đang vào mùa mưa bão, ông T sợ dừa đổ đập vào nhà mình nên đến gặp ông B đề nghị ông B đốn cây dừa trên nhưng ông B không đồng ý. Hai bên xảy ra tranh cãi, mâu thuẫn không nhìn mặt nhau. Với tình huống này hòa giải viên cần phải làm gì để hòa giải mâu thuẫn giữa 2 ông?

Trả lời:

Sau khi tiếp nhận vụ việc tổ hòa giải đã họp và xác định đây là mâu thuẫn thuộc lĩnh vực dân sự, cụ thể liên quan đến cây trồng trên đất có nguy cơ đổ ngã qua đất người khác gây nguy hiểm. Tổ trưởng tổ hòa giải phân công hòa giải viên đến gặp gỡ, tiếp xúc với cả hai bên gia đình để tìm hiểu kỹ nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn.

Tại buổi hòa giải, qua nghe ý kiến trình bày của hai bên, tổ trưởng tổ hòa giải đã phân tích để ông B hiểu rằng ông không thể vì lợi ích kinh tế của bản thân mà gây nguy hiểm cho người khác (vì tiếc dừa trái lên giá mà chưa đốn cây dừa ngã qua hướng nhà ông T). Thời tiết đang vào mùa mưa bão, nếu chẳng may có gió lớn, cây dừa đổ làm sập nhà ông T, gây thương tích cho người trong nhà thì hậu quả không lường, thiệt hại còn lớn hơn rất nhiều thu nhập từ cây dừa đó mang lại. Hơn nữa, Điều 177 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

“1. Trường hợp cây cối,... có nguy cơ sập đổ xuống bất động sản liền kề và xung quanh thì chủ sở hữu tài sản thực hiện ngay các biện pháp khắc phục, chặt cây,... theo yêu cầu của chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh...; nếu không tự nguyện thực hiện thì chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho chặt cây,... Chi phí chặt cây,... do chủ sở hữu cây cối,... chịu.

2. ...

3. Trường hợp gây thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh... thì chủ sở hữu cây cối, công trình phải bồi thường.”

Đối với ông T, khi yêu cầu ông B đốn dừa nên dùng lời lẽ lịch sự, hòa nhã; không nên có thái độ khiêu khích

Tổ trưởng tổ hòa giải đề nghị hai bên nên vì tình làng nghĩa xóm, “họ hàng xa không bằng láng giềng gần” mà có cách cư xử phù hợp. Ông B nên đốn, chặt cây dừa ngả về phía nhà ông T, tránh cây đổ bất ngờ gây tai nạn. Ông T nên xin lỗi ông B vì lời lẽ khó nghe lúc trước.

Tình huống 4.

Bà A sống một mình, không có chồng con. Bà A có quyền sử dụng một mảnh đất, do không có nhu cầu sử dụng nên bà cho người cháu họ là anh B mượn để dựng quán bán hàng. Tháng 5/2019, bà A bị tai nạn mất đột ngột, không để lại di chúc. Tháng 10/2019, bà C là em gái của bà A đang sinh sống tại nơi khác trở về đòi anh B trả lại đất cho bà vì bà cho rằng mình mới là người thừa kế hợp pháp mảnh đất này. Anh B không đồng ý với lý do bà A đã cho anh mượn đất làm ăn, nay bà A chết đi, cũng không có chồng con gì nên bà C không có quyền đòi đất. Hai bên xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp. Với tình huống trên cần thực hiện hòa giải như thế nào?

Trả lời:

  Sau khi tiếp nhận vụ việc, tổ hòa giải đã tiến hành gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của các bên, đồng thời xác minh các tình tiết có liên quan để tiến hành hòa giải. Qua xác minh, tổ hòa giải nhận thấy: Bố mẹ bà A chỉ sinh được hai người con là bà A và bà C và nay bố mẹ bà A cũng đã mất.

  Theo Điều 650 Bộ luật Dân sự năm 2015, thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp người chết không để lại di chúc. Hàng thừa kế thứ nhất của bà A không còn ai, hàng thừa kế thứ hai của bà A chỉ còn bà C, do đó bà C chính là người thừa kế theo pháp luật của bà A. Do vậy, việc bà C trở về đòi quyền thừa kế mảnh đất thuộc sở hữu của bà A là hoàn toàn đúng quy định pháp luật. Do đó anh B không nên cản trở bà C thực hiện quyền thừa kế của mình. Đối với bà C, tổ hòa giải phân tích thêm hiện nay anh B đang kinh doanh có hiệu quả trên mảnh đất đó, nếu anh B có nguyện vọng thì bà nên xem xét việc tiếp tục tạo điều kiện để anh C thuê lại mảnh đất đó. Trường hợp các bên không thống nhất được việc cho thuê mảnh đất thì bà C vẫn là người thừa kế hợp pháp và được quyết định các vấn đề liên quan đến mảnh đất đó. Hòa giải viên giải thích các quy định của pháp luật như trên cho các bên hiểu rõ, các bên nên thống nhất với nhau về việc sau khi hoàn thiện xong thủ tục nhận thừa kế, bà C sẽ cho anh B tiếp tục thuê mảnh đất đó để kinh doanh sẽ hợp lý vẹn tình cả đôi bên.

Tình huống 5.

Ông N dắt trâu ra đồng thả cho ăn cỏ. Tuy nhiên do mệt ông N ngủ thiếp đi lúc nào không hay biết. Gần một tiếng sau, ông C đi phát bờ ruộng thì bắt gặp 05 con trâu đang ăn lúa và giẫm nát lúa ở ruộng của mình. Nhìn quanh thấy ông N đang ngủ gục dưới gốc cây, ông C gọi ông N dậy để giải quyết. Ông C yêu cầu ông N phải đền toàn bộ thiệt hại, nhưng ông N không chấp nhận đền bù, vì cho rằng ông không cố ý thả trâu vào ăn lúa nhà ông C. Mỗi người một ý, chẳng ai chịu ai, mâu thuẫn giữa hai ông ngày càng gay gắt. Ở tình huống này hòa giải viên sẽ giải quyết tranh chấp như thế nào?

Trả lời:

  Sau khi tiếp nhận vụ việc, tổ hòa giải đã tiến hành gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của các bên, đồng thời xác minh các tình tiết có liên quan để tiến hành hòa giải. Việc ông N sơ ý để trâu vào ăn lúa một phần ruộng đang sắp đến kỳ thu hoạch của nhà ông C, cho dù là lỗi vô ý nhưng ông N cũng phải đền bù cho gia đình ông C. Bởi theo quy định tại điều 603 của Bộ luật Dân sự năm 2015 và Hương ước trong thôn, chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật của mình gây ra cho người khác. Tuy nhiên, việc trâu nhà ông N vào phá ruộng là do ông N vô ý không cẩn thận, chứ không phải chủ động thả trâu vào ăn lúa phá ruộng. Hai người làng trên, làng dưới hoàn cảnh cũng rất khó khăn, vất vả, thiệt hại xảy ra là ngoài ý muốn. Hai gia đình có thể thỏa thuận với nhau về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần do hai bên tự thỏa thuận, để giữ tình làng nghĩa xóm và Hương ước của thôn.

Tình huống 6.

Trước đây nhà bà H có cho nhà ông X mắc đường dây tải điện qua đất nhà để phục vụ sinh hoạt của gia đình ông X. Tuy nhiên hiện nay, bà H có đang dự định xây dựng nhà trên phần đất có đường dây điện của ông X mắc qua. Bà H có trao đổi với ông X về việc di dời đường dây điện sang vị trí mới nhưng ông X không đồng ý hai bên phát sinh mâu thuẫn, bà H gửi đơn đến Tổ hòa giải để yêu cầu được hòa giải. Hòa giải viên cần phải hòa giải tranh chấp này như thế nào?

Trả lời:

Trong trường hợp này, tranh chấp giữa bà H và ông X là quyền mắc đường dây tải điện qua bất động sản của các chủ sở hữu khác, thuộc lĩnh vực dân sự. Hòa giải viên cần phân tích về quyền mắc đường dây tải điện qua bất động sản của các chủ sở hữu khác

          Theo Điều 255 Bộ luật dân sự 2015 quy định: Chủ sở hữu bất động sản có quyền mắc đường dây tải điện, thông tin liên lạc qua bất động sản của các chủ sở hữu khác một cách hợp lý, nhưng phải đảm bảo an toàn và thuận tiện cho các chủ sở hữu đó; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường

Do vậy để bảo đảm quyền mắc được dây điện của ông X cũng như bảo đảm an toàn và thuận tiện cho gia đình bà H khi xây nhà trên đất nhà mình. Ông X và bà H cần thỏa thuận vị trí mới để ông X mắc đường dây diện. Ông X không thực hiện di dời dây điện mà gây thiệt hại cho gia đình bà K thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Tình huống 7.

Bà N và bà H là hàng xóm của nhau. Bà N có nghi ngờ bà H quan hệ bất chính với chồng mình nên hay có lời qua tiếng lại. Bực vì bị vu khống không có căn cứ bà H viết đơn gửi tổ hòa giải thôn đề nghị làm sáng tỏ việc bà N tung tin bà có quan hệ bất chính với ông K là chồng bà N. Việc làm của bà N làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín của bà H và ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình bà.

Trả lời:

Sau khi nhận được đơn của bà H, Tổ trưởng tổ hòa giải đã tổ chức họp tổ hòa giải để tìm hiểu về vụ việc, đồng thời phân công các thành viên tổ hòa giải nghiên cứu các căn cứ pháp luật để hòa giải. Sau khi nghe các bên trình bày, căn cứ vào thông tin có được từ quá trình xác minh thông tin, tổ hòa giải xác định việc bà N tung tin bà H ngoại tình với chồng bà là không có căn cứ. Tổ hòa giải đã dẫn chiếu đến các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 như:

Ðiều 37 Bộ luật dân sự quy định: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.”

Điều 34 Bộ luật Dân sự quy định: “Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại”.

Điều 592 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm, thiệt hại do danh dự, uy tín của pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;  Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.

2. Người xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.”

Với những căn cứ pháp luật nêu trên hòa giải viên đã giải thích cho bà N hiểu rằng hành vi tung tin thất thiệt xâm phạm đến danh dự, uy tín của bà H là vi phạm pháp luật, hòa giải viên yêu cầu bà N phải thực hiện việc xin lỗi, cải chính công khai thông tin, xin lỗi bà H và hứa sẽ không tái phạm.

Tình huống 8.

Nhà ông Minh và ông Huân cùng đấu thầu hai đầm sát nhau để nuôi trồng thủy sản. Đầm nhà ông Minh chuyên nuôi tôm, đầm nhà ông Huân chuyên nuôi cá, mọi người trong làng đều biết việc này, tuy nhiên, sau trận mưa rào, nước lụt, tôm từ đầm nhà ông Minh nhảy tràn sang đầm nhà ông Huân. Thấy đầm nhà mình tự dưng rất nhiều tôm, ông Huân đã cất vó, bắt tôm đem bán, ông Minh biết chuyện đã yêu cầu ông Huân trả lại số tôm đã bắt. Ông Huân không đồng ý vì “cá vào ao ai người đó hưởng”, “tôm ở ao ông thì ông bắt” dẫn đến mâu thuẫn, xung đột. Nếu được phân công hòa giải vụ việc, ông/bà sẽ làm thế nào ?

Trả lời:

Hòa giải viên cần phải  xác định nguyên nhân mâu thuẫn giữa nhà ông Minh và ông Huân là do tôm từ đầm nhà ông Minh nhảy tràn sang đầm nhà ông Huân sau trận mưa rào, nước lụt. Ô Huân không thông báo lại còn bắt tôm đem bán. Ông Minh yêu cầu ông Huân trả lại số tôm đã bắt nhưng ông Huân không đồng ý.

Căn cứ Điều 233 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về xác lập quyền sở hữu đối với vật nuôi dưới nước:Khi vật nuôi dưới nước của một người di chuyển tự nhiên vào ruộng, ao, hồ của người khác thì thuộc sở hữu của người có ruộng, ao, hồ đó. Trường hợp vật nuôi dưới nước có dấu hiệu riêng biệt để có thể xác định vật nuôi không thuộc sở hữu của mình thì người có ruộng, ao, hồ đó phải thông báo công khai để chủ sở hữu biết mà nhận lại. Sau 01 tháng, kể từ ngày thông báo công khai mà không có người đến nhận thì quyền sở hữu vật nuôi dưới nước đó thuộc về người có ruộng, ao, hồ”.

Căn cứ quy định pháp luật dân sự nêu trên, Hòa giải viên phân tích, giải thích để các bên hiểu rõ về quyền lợi, trách nhiệm của mỗi bên trong vụ việc, yêu cầu các bên thỏa thuận việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp và tự nguyện thực hiện thỏa thuận. Hòa giải viên cần nêu truyền thống tốt đẹp về tình làng nghĩa xóm và thuyết phục hai bên không để xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn, xung đột. Đề nghị ông Huân phải trả lại số tôm đã bắt do số tôm từ đầm của nhà ông Minh nhảy tràn sang đầm nhà ông Huân vì đầm nhà ông Huân chuyên nuôi cá, đầm nhà ông Minh chuyên nuôi tôm là thấu tình đạt lý.

Tình huống 9.

 Thửa đất nhà ông Tiến bên trong thửa đất nhà bà Cúc. Để thoát nước thải, hộ ông Tiến phải bắc ống dẫn nước qua nhà bà Cúc. Năm nay, bà Cúc phá bỏ ngôi nhà cũ để xây nhà to hơn, bà Cúc yêu cầu ông Tiến chuyển ống dẫn nước sang hướng khác, không đi qua đất nhà bà. Ông Tiến cho rằng đường ống dẫn nước thải hiện nay là tiện nhất, nếu bà Cúc không cho đi qua đất nhà bà thì ông không biết cho nước thải đi đâu. Ông Tiến đề nghị bà Cúc tiếp tục cho phép ông đặt đường ống dẫn nước qua đất nhà bà và để không ảnh hưởng đến ngôi nhà, ông đồng ý sẽ tiến hành di chuyển đường ống sang sát mép tường xây một cách cẩn thận, không để ống dẫn nước gây ảnh hưởng nhưng bà Cúc không đồng ý. Hai bên lời qua tiếng lại, ai cũng giữ quan điểm của mình, sau đó, ông Tiến đã liên hệ với Tổ hòa giải của xóm đề nghị can thiệp, giúp đỡ. Được giao hòa giải vụ việc này, ông/bà sẽ làm thế nào?

Trả lời:

Tổ trưởng tổ hòa giải phân công hòa giải viên gặp gỡ các bên để nắm bắt tình hình và xác định mâu thuẫn giữa ông Tiến và bà Cúc là bà Cúc không muốn cho ông Tiến tiếp tục đặt đường ống dẫn nước thải qua đất nhà bà mặc dù đây là đường đi duy nhất.

Hòa giải viên căn cứ quy định pháp luật phân tích, giải thích cho các bên hiểu rõ về quyền lợi, trách nhiệm của mỗi bên trong vụ việc các bên thỏa thuận việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp và tự nguyện thực hiện thỏa thuận đó. Cụ thể:

Điều 252 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định quyền về cấp, thoát nước qua bất động sản liền kề: Trường hợp do vị trí tự nhiên của bất động sản mà việc cấp, thoát nước buộc phải qua một bất động sản khác thì chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua phải dành một lối cấp, thoát nước thích hợp, không được cản trở hoặc ngăn chặn dòng nước chảy.

Người sử dụng lối cấp, thoát nước phải hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua khi lắp đặt đường dẫn nước; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường. Trường hợp nước tự nhiên chảy từ vị trí cao xuống vị trí thấp mà gây thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua thì người sử dụng lối cấp, thoát nước không phải bồi thường thiệt hại.”

Bên cạnh đó, hòa giải viên cần nêu truyền thống tốt đẹp về tình làng nghĩa xóm và thuyết phục hai bên không để xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn, xung đột. Đề nghị bà Cúc tiếp tục cho phép ông Tiến đặt đường ống dẫn nước qua đất nhà bà vì đây là đường thoát nước duy nhất và tiến hành di chuyển đường ống sang sát mép tường xây của nhà bà, Ông Tiến cam kết không để ống dẫn nước hư hỏng làm ảnh hưởng nhà bà Cúc.

Tình huống 10.

Vì muốn có tiền để chơi điện tử, nên cháu Minh (13 tuổi) đã tự ý bán chiếc xe đạp của mình cho ông Biên - chủ tiệm sửa xe gần trường học với giá 01 triệu đồng. Biết chuyện, bố mẹ Minh đã tìm gặp ông Biên đề nghị được chuộc lại chiếc xe và hoàn trả ông 01 triệu đồng nhưng ông Biên không đồng ý vì cho rằng việc mua bán giữa ông và Tùng là hoàn toàn tự nguyện, ông không có trách nhiệm phải trả lại chiếc xe. Hai bên lời qua tiếng lại, bố mẹ Tùng đã tìm đến Tổ hòa giải đề nghị giúp đỡ. Nếu được giao hòa giải vụ việc trên, ông/bà giải quyết như thế nào?

Trả lời:

Trước tiên tổ hòa giải phải xác định mâu thuẫn giữa bố mẹ cháu Minh và ông Biên là do cháu Minh (13 tuổi) đã bán chiếc xe đạp mà chưa được sự đồng ý của bố mẹ; bố mẹ Minh xin chuộc lại xe và hoàn trả lại tiền nhưng ông Biên không chấp nhận.

Căn cứ quy định pháp luật hòa giải viên phân tích các bên hiểu rõ về quyền lợi, trách nhiệm của mỗi bên trong vụ việc các bên thỏa thuận việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp và tự nguyện thực hiện thỏa thuận đó.Cụ thể:

 Khoản 3, Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: "Người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ  nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi".

Điểm a, Khoản 1, Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự: "Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập" và Điều 122 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định: "Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 117 của Bộ luật này thì vô hiệu"; Điều 125 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: "Khi giao dịch dân sự do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện thì theo yêu cầu đại diện của người đó, Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu nếu theo quy định của pháp luật giao dịch này phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện hoặc đồng ý, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này ".

Điều 131 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định: "Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá bằng tiền để hoàn trả. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường. Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định".

Bên cạnh đó, hòa giải viên cần phân tích, làm rõ: Cháu Minh mới 13 tuổi nên chỉ xác lập được các giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi. Việc mua bán xe giữa ông Biên và cháu là giao dịch dân sự vô hiệu vì cháu Minh mới 13 tuổi và giao dịch chưa được sự đồng ý của cha mẹ Minh. Hòa giải viên yêu cầu: ông Biên trả lại xe đạp cho cháu Minh và bố mẹ Minh phải hoàn lại số tiền mà Minh đã nhận từ ông Biên.

2. TÌNH HUỐNG HÒA GIẢI THUỘC LĨNH VỰC HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH (05 TÌNH HUỐNG)

Tình huống 1.

Anh Nguyễn Trung K và chị Phạm Thị N kết hôn năm 1994. Cả hai vợ chồng anh chị đều là cán bộ, công chức và đến nay đã có hai con, một trai, một gái. Những năm đầu, cuộc sống gia đình anh chị rất đầm ấm, hạnh phúc. Thế nhưng, hai năm trở lại đây anh K thường xuyên về nhà muộn, bỏ bê việc gia đình, ít quan tâm đến gia đình. Thấy chồng mình thay đổi, chị N rất buồn. Hai người thường xuyên cãi nhau, lời ra tiếng vào, dẫn đến xô xát giữa hai anh chị, đồ đạc trong nhà bị anh K đập phá. Sau một thời gian, chị N làm đơn xin ly hôn gửi Tòa án. Trong tình huống  này hòa giải viên cần làm gì để hòa giải giúp gia đình anh K chị N không ly tan, các con không phải chia xa bố, mẹ, để gia đình được hạnh phúc như xưa.

Trả lời:

Biết thông tin chị N gửi đơn xin ly hôn đến Tòa án, tổ hoà giải thôn nơi anh chị đang sinh sống, cần phải phối hợp với Chi hội phụ nữ đến gia đình tìm hiểu sự việc để thực hiện việc hoà giải. Tổ hoà giải phân công hòa giải viên đến nhà gặp gỡ, trao đổi riêng, phân tích, động viên chị N; gặp trực tiếp anh K để trao đổi, tâm sự khuyên nhủ anh K. Các hoà giải viên đã chỉ ra cho anh chị thấy được những sai lầm, thiếu sót của mỗi bên đồng thời khuyên nhủ anh chị cần suy nghĩ về hạnh phúc gia đình mình, vì các con đang cần đến tình cảm, sự chăm sóc của những người làm cha, làm mẹ, hãy cân nhắc và thận trọng trong việc quyết định các vấn đề về hôn nhân... Hòa giải viên động viên anh chị hãy sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình, khuyên nhủ chị N nên rút đơn ly hôn để anh K có cơ hội sửa chữa những việc làm, hành động chưa đúng, cùng nhau hướng tới một gia đình hạnh phúc bền lâu, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

Tình huống 2.

Bà H sinh được 2 người con là chị P và anh S. Sau khi chị P đi lấy chồng, bà H sống chung với vợ chồng anh S. Bình thường, gia đình sống hòa thuận, đoàn kết không có mâu thuẫn, xích mích gì lớn xảy ra. Tuy nhiên, sự việc bắt đầu từ việc chị P có đứa con nhỏ ba tuổi (chồng chị không may mất, nay cuộc sống khó khăn, không có thu nhập, chị phải đi làm ăn xa và đem gửi con sang cho bà H trông nom giúp). Từ khi có đứa cháu ngoại sang ở, bà H đã vất vả lại càng vất thêm vất vả vì phải trông nom một lúc cả ba cháu, một cháu ngoại và hai cháu nội trạc tuổi nhau nên việc chăm các cháu và đưa đón các cháu đi học không được đảm bảo, khi đó vợ chồng anh S bức xúc, không nhất trí, hay trách móc mẹ “ôm rơm nặng bụng”, nhận cháu ngoại về trông nom, mâu thuẫn giữa bà H và vợ chồng anh S cứ âm ỉ kéo dài, có lúc trở nên gay gắt. Đỉnh điểm là việc Bà H bực quá mang cháu ngoại bỏ đi thuê nhà ở một mình không sống chung cùng vợ chồng anh S nữa. Từ ngày mẹ bỏ đi ra ở riêng vợ chồng anh S suy nghĩ lại và muốn bà H trở về nhà đoàn tụ gia đình nên sang nhờ tổ hòa giải giúp đỡ. Với tình huống nêu trên hòa giải viên cần phải hòa giải mâu thuẫn này như thế nào?

Trả lời:

Với tình huống này, trước tiên hòa giải viên cần xác định nguyên nhân mẫu thuẫn giữa bà H và vợ chồng anh S. Đó là xuất phát từ việc bà H nhận trông nom cháu ngoại là con của chị P để đỡ đần chị một thời gian do chồng mất sớm, cuộc sống khó khăn nay phải đi làm xa. Việc thêm thành viên trong gia đình lại thêm cuộc sống gia đình đang giai đoạn khó khăn, mất mùa, dịch bệnh gia súc, gia cầm, làm ăn khó khăn nên vợ chồng anh S bức xúc, khó chịu.

Ngay sau khi nắm được thông tin cụ thể về vụ việc, tổ hòa giải tiến hành khuyên nhủ và vận dụng quy định tại Điều 104, Điều 105 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014..., ông bà nội, ông bà ngoại có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu..., ... Anh, chị, em có quyền, nghĩa vụ thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ nhau..., để giải thích cho bà H cũng như vợ chồng anh S thấy được quyền, nghĩa vụ của mình đối với chị P, con gái chị P. Cụ thể:

Thứ nhất, việc bà H nhận trông nom cháu ngoại (con của chị P) là hoàn toàn đúng với bổn phận, trách nhiệm và nghĩa vụ của người bà đối với cháu theo quy định của pháp luật cũng như tình cảm máu mủ, ruột thịt của mình; cháu nội, cháu ngoại đều như nhau, không phân biệt đối xử bên nặng, bên nhẹ. Tuy nhiên, bà sống chung với gia đình vợ chồng anh S nên việc nhận trông nom cháu ngoại cũng nên “đả thông” tư tưởng với vợ chồng anh S để cùng có chia sẻ, thông cảm và giúp đỡ chị P trong giai đoạn khó khăn và trao đổi với chị P phải chu cấp cho con thường xuyên, có lời nhờ đến vợ chồng anh S thông cảm, giúp đỡ, chia sẻ cho phải lẽ.

Thứ hai, tổ hòa giải cần phân tích, động viên vợ chồng anh S, trong đời sống “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, việc chị P đưa cháu sang nhờ bà H trông nom giúp cũng là do bất đắc dĩ, hoàn cảnh éo le chồng mất sớm là một tổn thất rất lớn đối với chị P và cả gia đình, nay cuộc sống khó khăn, không có thu nhập nên chị phải đi làm ăn xa để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Hiện nay, bà H còn trẻ, còn khỏe mà vợ chồng anh S thì làm ăn gần nhà, tuy gia đình còn khó khăn nhưng có phần thuận lợi hơn nên cố gắng chia sẻ, tạo điều kiện giúp đỡ chị P vượt qua khó khăn, trông nom cháu giúp chị P một thời gian nhất định. Là anh em ruột thịt “một giọt máu đào hơn ao nước lã” nên anh em phải có nghĩa vụ yêu thương, chăm sóc, đùm bọc, giúp đỡ nhau nhất là giai đoạn khó khăn, hoạn nạn... như hoàn cảnh của chị P. Việc vợ chồng anh S có lời trách móc, xúc phạm mẹ là không nên, không đúng. Anh chị cần bình tĩnh, tìm ra giải pháp giải quyết phù hợp trước những khó khăn của gia đình, thông cảm, chia sẻ và coi việc trông nom cháu cũng là bổn phận, trách nhiệm của mình, bởi theo quy định tại Điều 106 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, thì cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột có quyền, nghĩa vụ thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ nhau; có quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau trong trường hợp người cần được nuôi dưỡng...

Tổ hòa giải phân tích, khuyên nhủ vợ chồng anh S hiểu việc mình đã làm là chưa đúng nên anh chị phải  chủ động xin lỗi bà H, tổ hòa giải khuyên bà H bớt giận, thông cảm cho các con trong lúc “cả giận mất khôn” mà về sống với gia đình vợ chồng anh S như ngày trước.

Tình huống 3.

Trước khi kết hôn với ông T, bà H và được bố mẹ đẻ cho một căn nhà để làm của hồi môn. Thời đó còn khó khăn, không có điều kiện làm giấy tờ, bố mẹ bà H chỉ viết giấy tay tặng cho riêng bà H, có nhờ một người hàng xóm làm chứng ký trên giấy tặng cho. Tháng 9/2019, bà H làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở đứng tên cá nhân bà. Tuy nhiên, ông T không đồng ý, cho rằng đây là tài sản chung, ông không có công cũng có cán” và muốn cả hai vợ chồng cùng đứng tên. Mâu thuẫn vợ chồng ông bà phát sinh. Bà H đề nghị nhờ tổ hòa giải giúp đỡ.

Trả lời

Về vấn đề này tổ hòa giải cần phải: gặp gỡ tiếp xúc, xác định được mâu thuẫn, quan điểm của ông T, bà H, tổ hòa giải đã chia sẻ, giải thích rõ quy định của pháp luật về tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng. Tại Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định, tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các Điều 38, 39 và Điều 40 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Việc nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung được thực hiện theo thỏa thuận của vợ chồng (khoản 1 Điều 46 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).

Cũng theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 100 của Luật Đất đai năm 2013, thì hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định mà có giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa, nhà tình thương gắn liền với đất thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.

Giữa ông T và bà H không có thỏa thuận về việc nhập tài sản riêng này vào tài sản chung của vợ chồng nên về lý, bà H hoàn toàn có quyền đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở đứng tên cá nhân bà.

Bên cạnh việc phân tích các quy định pháp luật nêu trên cho vợ chồng ông T, bà H hiểu, tổ hòa giải đồng thời dùng những lời nói thấu tình đạt lý để đánh thức tình cảm vợ chồng của ông bà, giúp ông bà nhận thức được điều quan trọng và cần thiết trong cuộc sống, đó chính là tình nghĩa vợ chồng keo sơn gắn bó, là sự sẻ chia những khó khăn vất vả, những lúc vui buồn...Tổ hòa giải đã phân tích về tình, về lý để ông T, bà H hiểu, không nên tranh chấp về tài sản nữa.

Tình huống 4.

Anh A và chị Y là vợ chồng, dạo gần đây chị Y thấy chồng có các biểu hiện đi sớm về muộn, thường xuyên vắng nhà. Sau khi tìm hiểu và theo dõi, chị Y phát hiện anh A ngoại tình với người phụ nữ khác, tức giận, chị đuổi anh A ra khỏi nhà và đòi ly hôn. Anh A vẫn còn yêu thương vợ con, không muốn ly dị nên đã tìm đến tổ trưởng tổ hòa giải của thôn để nhờ hòa giải. Với tình huống trên hòa giải viên sẽ làm gì để thực hiện việc hòa giải cho 2 vợ chồng.

Trả lời:

Sau khi tiếp nhận đề nghị của anh A, hòa giải viên đã đến nắm bắt tình hình
tìm hiểu nguyên nhân, ý kiến, nguyện vọng các bên. Hòa giải viên đã phân tích, giải thích rõ cho anh A biết hành vi của anh đã vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng và có thể bị phạt vi phạm hành chính hoặc nặng hơn là truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, hòa giải viên cũng phân tích cho cả hai vợ chồng các vấn đề pháp lý phát sinh sau khi ly hôn (việc nuôi dạy con, chia tài sản...).Cụ thể:

- Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định cấm hành vi:“Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ”.

Điểm b, Khoản 1 Điều 59 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020       của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã quy định: “Phạt tiền từ 3.000.000 đến 5.000.000 đối với hành vi: đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác”

- Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng:

1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;

b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;

b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó”.

Từ những căn cứ pháp luật nêu trên hòa giải viên đã yêu cầu Anh A nhận lỗi, chấm dứt việc quan hệ bất chính và cam kết không tái phạm. Đồng thời cũng khuyên bảo chị Y nên tha thứ cho chồng để đảm bảo gia đình không ly tan và các con không phải tan đàn xẻ nghé, đứa theo mẹ đứa theo cha.

Tình huống 5.

         Chị Lan Chi làm công tác xã hội nên thường xuyên đi sớm về muộn và hay đi công tác xa nhà, vì vậy, ít có thời gian chăm sóc gia đình và các con. Anh Đức, chồng chị Lan Chi tỏ ra khó chịu, thường mắng chửi vợ, chán nản theo bạn bè uống rượu bê tha, cờ bạc, bỏ bê việc gia đình trong những lúc chị Lan Chi phải đi công tác. Chị Lan Chi nóng tính, nghĩ chồng ích kỷ không hiểu và thông cảm cho công việc của mình nên hai vợ chồng thường xuyên cãi nhau, có lúc anh Đức còn giở thói vũ phu đánh đập chị Lan Chi. Là hòa giải viên chịu trách nhiệm hòa giải vụ việc này, ông (bà) sẽ giải quyết như thế nào?

Trả lời:

Hòa giải viên cần phải gặp gỡ, tìm hiểu xác định nguyên nhân gây ra mâu thuẫn giữa  2 vợ chồng, đó là chị Lan Chi làm công tác xã hội, thường xuyên đi sớm về muộn, ít có thời gian chăm sóc gia đình, con cái; Anh chồng không chia sẻ với vợ, còn chơi lô đề, cờ bạc, rượu chè bê tha dẫn đến hai vợ chồng thường xuyên cãi vã, đánh nhau. Bên cạnh đó, hòa giải viên nghiên cứu quy định pháp luật để giải thích cho cả 2 vợ chồng hiểu để cảm thông chia sẻ và có cách ứng xử chuẩn mực yêu thương tôn trọng nhau gia đình được êm ấm hạnh phúc. Cụ thể:

          Điều 23 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: "Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ tạo điều kiện, giúp đỡ nhau chọn nghề nghiệp; học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội";

         Khoản 1 Điều 19 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: "Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình..." và Điều 21 quy định: "Vợ, chồng có nghĩa vụ tôn trọng, giữ gìn và bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín cho nhau".

          Cùng với đó là vận dụng câu ca dao: "Chồng giận thì vợ bớt lời, Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê"; Cờ bạc là bác thằng Bần, ...

             Trên cơ sở quy định pháp luật, hòa giải viên giải thích, phân tích để anh Đức hiểu việc anh mắng chửi, đánh đập chị Lan Chi là vi phạm quy định của Luật phòng, chống bạo lực gia đình. Chơi cờ bạc là sai trái , không những gây thiệt hại cho kinh tế gia đình vốn đã khó khăn còn là hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến trật tự trị an của xã hội, sẽ bị xử phạt hành chính, nếu tiếp tục vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật. Việc    chị Lan Chi về muộn là do đặc thù công việc của cơ quan và anh với tư cách là một người chồng, người trụ cột trong gia đình nên thông cảm cho công việc của vợ, giúp đỡ vợ trong công việc gia đình, tạo điều kiện, động viên để vợ tiến bộ trong công tác. Bên cạnh đó, với trách nhiệm của một người chồng anh phải biết yêu thương, tôn trọng vợ. Là người chồng, một người cha, anh phải là  trụ cột trong gia đình, là tấm gương để con cái học tập, noi theo. Nếu tiếp tục tình trạng này sẽ làm cho tình cảm vợ chồng, cha con bị tổn thương, nhiều hệ lụy xảy ra, dễ dẫn đến ly hôn, khi đó hai con của anh sẽ chịu nhiều thiệt thòi nhất.

             Hòa giải viên phân tích và khuyên nhủ chị Lan Chi: với trách nhiệm của một người vợ, người mẹ, chị hãy cố gắng thu xếp hợp lý cả việc xã hội, việc cơ quan và việc gia đình để có thời gian chăm sóc chồng con, giữ gìn hạnh phúc gia đình. Nhắc nhở chị Lan Chi khuyên nhủ, thuyết phục chồng là đúng nhưng cần phải gần gũi, phân tích nhẹ nhàng, kiên nhẫn, biết kìm chế nóng giận, không nên chì chiết, to tiếng với chồng, lựa lời nói chuyện để anh chồng hiểu và thông cảm cho công việc của mình, để gia đình được yên ấm hạnh phúc.

Nguyễn Thị Vân Anh - Phòng PB-TDTHPL

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Cơ quan thiết lập Trang TTĐT: Sở Tư pháp tỉnh Nam Định. Giấy phép số 01/GP-STTTT cấp ngày 31/01/2019
Địa chỉ: 325 Đường Trường Chinh - TP. Nam Định. Điện thoại: (0228) 3849381
Bộ phận cấp phiếu Lý lịch tư pháp: 0228.3636606; Phòng Công chứng số 1: 0228.3528096
Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản: 0228.3836335; Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước: 0228.3526669 
Designed by VNPT Nam Định
  
Chung nhan Tin Nhiem Mang