KẾ HOẠCH PHỐI HỢP VỀ NGƯỜI THỰC HIỆN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ TRỰC TẠI TÒA ÁN NHÂN DÂN
Thực hiện Chương trình phối hợp số
1603/CTPH-BTP-TANDTC ngày 19 tháng 5 năm 2022 giữa Bộ Tư pháp và Tòa án nhân
dân tối cao về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án nhân dân, ngày
15/8/2022, Sở Tư pháp và Tòa án nhân dân tỉnh Nam Định đã ban hành kế hoạch phối
hợp số 1040/KH-STP-TAND về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án
nhân dân. Một số nội dung cơ bản của Kế hoạch như sau:
1. Về nhân lực thực hiện: Người trực: người thực hiện trợ giúp pháp
lý là trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý. Người hỗ trợ trực:
Chuyên viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thuộc Sở Tư pháp. Trung tâm
trợ giúp pháp lý nhà nước phân công người thực hiện trợ giúp pháp lý trực đảm bảo
hiệu quả, hợp lý
2.Về hình thức trực: Căn cứ điều kiện thực tế, TAND tỉnh và Sở Tư
pháp thống nhất hình thức trực qua điện thoại.
3. Về cơ chế tiếp nhận yêu cầu trợ giúp pháp lý
và nhiệm vụ của người trực, người hỗ trợ trực:
Người tiến
hành tố tụng, công chức TAND khi phát hiện người thuộc diện được trợ giúp pháp
lý thì thông tin và cung cấp số điện thoại của người được trợ giúp pháp lý hoặc
người thân thích của họ (nếu có) ngay cho người trực. Đồng thời, hướng dẫn người
thuộc diện được trợ giúp pháp lý đến nơi niêm yết danh sách, số điện thoại của
người trực. Người trực tiếp nhận nguồn tin, yêu cầu trợ giúp pháp lý từ người
tiến hành tố tụng, công chức TAND, từ người thuộc diện được trợ giúp pháp lý,
người thân thích của họ hoặc từ cơ quan, tổ chức khác thì liên hệ với người thuộc
diện được trợ giúp pháp lý hoặc người thân thích của họ để thực hiện các hoạt động
trợ giúp pháp lý. Người trực ghi chép, thống kê vào Sổ trực trợ giúp pháp lý
(theo mẫu của Bộ Tư pháp).
4. Trách nhiệm của các cơ quan
Sở Tư pháp có trách nhiệm: Chỉ đạo Trung
tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước thực hiện phân công người trực tại Tòa án; lập dự
toán cho việc thực hiện Kế hoạch theo quy định của pháp luật; chi trả bồi dưỡng,
thù lao chi phí phát sinh trong quá trình thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý
cho người trực và thống kê vào Sổ trực trợ giúp pháp lý tại Tòa án nhân dân. Đánh
giá, báo cáo kết quả thực hiện và tham mưu, để xuất giải pháp thực hiện Kế hoạch
theo sự chỉ đạo của Bộ Tư pháp.
Tòa án nhân dân tỉnh Nam Định: Phối hợp thực
hiện niêm yết danh sách người trực qua điện thoại tại trụ sở Tòa án và chỉ đạo
Tòa án nhân dân các huyện, thành phố niêm yết danh sách người trực qua điện thoại
tại trụ sở đơn vị mình. Tạo điều kiện thuận lợi cho người thực hiện trợ giúp
pháp lý trực, người hỗ trợ trực hoàn thành nhiệm vụ được phân công.
6. Về thời gian triển khai thực hiện: 05 năm kể từ ngày 01/9/2022
7. Địa điểm thực hiện: Kế hoạch được triển khai tại TAND tỉnh và 10
TAND cấp huyện trên địa bàn tỉnh
Đặt lợi ích
của người thuộc diện trợ giúp pháp lý làm trung tâm, Kế hoạch phối hợp giừa Sở
Tư pháp và TAND tỉnh về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại tòa án được
ký kết và triển khai thực hiện sẽ giúp bảo đảm tiếp cận và thụ hưởng trợ giúp
pháp lý kịp thời trong tố tụng cho người bị buộc tội, bị hại, đương sự thuộc diện
được trợ giúp pháp lý; hạn chế việc người dân thuộc diện trợ giúp pháp lý bị bỏ
lỡ cơ hội được hỗ trợ pháp lý miễn phí. Đồng thời, sự phối hợp chặt chẽ và nỗ lực
của cán bộ ngành tư pháp và ngành Tòa án sẽ giúp người dân tiết kiệm thời gian,
chi phí đi lại và giúp quá trình tố tụng khách quan, đúng quy định của pháp luật,
bảo đảm tiếp cận công lý cho người dân.
Trần Thị Bình – Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà
nước tỉnh Nam Định