KẾT QUẢ 05 NĂM TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT TRỢ GIÚP PHÁP LÝ VÀ THÔNG TƯ LIÊN TỊCH SỐ 10/2018 VỀ PHỐI HỢP THỰC HIỆN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ TRONG HOẠT ĐỘNG TỐ TỤNG
Trợ giúp pháp lý
là chủ trương hợp lòng dân, mang tính nhân đạo sâu sắc của Đảng và Nhà nước ta. Trong những năm qua, nối tiếp những
thành quả đã đạt được từ giai đoạn trước, từ khi Luật Trợ giúp pháp lý 2017 có
hiệu lực đến nay, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Cục Trợ giúp pháp lý, Ủy ban
nhân dân tỉnh Nam Định, hoạt động trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh đã đạt
được nhiều kết quả quả tích cực, góp phần thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính
trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Sau khi Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 được ban hành, Sở Tư
pháp đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 99/KH-UBND
ngày 02/10/2017 triển khai
thi hành Luật Trợ giúp pháp lý; Sở Tư pháp ban hành Kế hoạch số 74/KH-STP
ngày 27/11/2017 về triển
khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ được
giao về trợ giúp pháp lý. Trong tháng
01/2018, Sở Tư pháp đã tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành Luật trợ
giúp pháp lý với sự tham gia của đại diện các Sở, ngành có liên quan, đại diện
các tổ chức đoàn thể như Hội cựu chiến binh, Hội liên hiệp phụ nữ, Hội nông
dân, Hội Luật gia tỉnh; Phòng Tư pháp các huyện, thành phố; đội ngũ báo cáo
viên pháp luật và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của
Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước với số lượng hơn 100 đại biểu tham dự. Các
nội dung mới của Luật trợ giúp pháp lý năm 2017 được lồng ghép giới thiệu tại
các hội nghị tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Vì vậy, nhận thức về ý
nghĩa, vai trò của công tác trợ giúp pháp lý đã được nâng lên và nhận được sự
quan tâm, ủng hộ của các cấp, các ngành và Nhân dân
Qua 05 năm triển khai thực hiện Luật trợ
giúp pháp lý năm 2017, Trung tâm trợ giúp pháp lý đã tiếp nhận và thụ lý 1.729
vụ việc, hoàn thành 1.504 vụ việc (chiếm 87% tổng số vụ việc), trong đó tư vấn:
880 vụ việc, tham gia tố tụng: 616 vụ việc và đại diện ngoài tố tụng: 8 vụ việc;
trợ giúp viên pháp lý thực hiện 1.493 vụ việc (chiếm tỷ lệ 99,3%), luật sư thực
hiện: 11 vụ việc. Số lượng vụ việc tham gia tố tụng năm sau cao hơn năm trước:
năm 2018 thực hiện 38 vụ việc tham gia tố tụng, đến năm 2019 thực hiện 113 vụ
việc tham gia tố tụng (tăng 310% so với năm 2018), năm 2020 thực hiện 238 vụ việc
(tăng 130% so với năm 2019), năm 2021 thực hiện 291 vụ việc (tăng 148% so với
năm 2020), trong đó có 287/tổng số 616 vụ việc tham gia tố tụng được đánh giá
là thành công, hiệu quả (chiểm tỷ lệ 46,6%). 100% trợ giúp viên pháp lý đã tham
gia tố tụng, hoàn thành chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng được giao trong đó có
từ 50% trợ giúp viên pháp lý đạt chỉ tiêu khá trở lên. Đặc biệt trợ giúp viên
pháp lý đã tham gia nhiều vào các vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng và các vụ
án dân sự, hành chính phức tạp. Chất lượng bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp
pháp cho đối tượng được trợ giúp pháp lý của các trợ giúp viên pháp lý ngày
càng được khẳng định; tinh thần, thái độ làm việc nghiêm túc; kỹ năng và chất
lượng tranh tụng thể hiện rõ nét, nhiều đề nghị của trợ giúp viên pháp lý đã được
Hội đồng xét xử chấp nhận, nhiều bản án hình sự có mức hình phạt thấp hơn so với
đề nghị của đại diện Viện kiểm sát hoặc mức hình phạt ở bản án phúc thẩm được
giảm so với bản án sơ thẩm; đã góp phần nâng cao trách nhiệm và chất lượng giải
quyết vụ án của cơ quan tố tụng các cấp. Trung tâm trợ giúp pháp lý và cơ quan
quản lý nhà nước chưa nhận được khiếu nại về chất lượng vụ việc, thái độ và đạo
đức của trợ giúp viên pháp lý. Các vụ việc tham gia tố tụng đều có ý kiến phản
hồi của người được trợ giúp pháp lý hài lòng về thái độ phục vụ, cách thức thực
hiện của đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý.
Trong công tác phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động
tố tụng, Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố
tụng tỉnh Nam Định đã ban hành Kế hoạch số 61/KH-HĐPH
ngày 21/8/2019 triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 10/2018 quy định về phối hợp thực hiện trợ
giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng. Các ngành thành viên của Hội đồng đã tổ
chức triển khai, xây dựng và ban hành kế hoạch, công văn hướng dẫn thực hiện
các nhiệm vụ về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của Thông tư
liên tịch số 10/2018, đặc biệt là tập trung vào trách nhiệm của cơ quan tiến
hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong công tác phối hợp về trợ giúp pháp
lý; tổ chức phổ biến tuyên truyền sâu rộng, cụ thể đến từng đơn vị, cán bộ,
công chức, viên chức của ngành mình. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà
nước đã cung cấp và phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng đặt 120 Bảng
thông tin về trợ giúp pháp lý, niêm yết 500 Tờ thông tin về trợ giúp pháp lý tại
trụ sở các cơ quan tiến hành tố tụng, Trại tạm giam, Nhà tạm giữ và cung cấp
cho các cơ quan tiến hành tố tụng 54.000 mẫu đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý và
các biểu mẫu theo quy định của Thông tư liên tịch số 10/2018... Đến nay, 100%
các cơ quan tiến hành tố tụng, Trại tạm giam, Nhà tạm giữ đã thực hiện nghiêm
túc việc niêm yết Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý, Tờ thông tin về trợ giúp
pháp lý tại trụ sở làm việc để người dân thuận lợi tiếp cận. Trong quá trình
thụ lý giải quyết vụ việc, vụ án, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố
tụng đã thực hiện trách nhiệm giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý theo
quy định; tích cực phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý trong việc cử người thực
hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho
người được trợ giúp pháp lý có yêu cầu và bảo đảm cho người thực hiện trợ giúp
pháp lý khi tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình
theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý và pháp luật tố tụng.
Trong thời gian tới,
công tác trợ giúp pháp lý đứng trước những yêu cầu cao hơn về chất lượng, tính
chuyên nghiệp, chuyên sâu, vì vậy đề nghị Bộ Tư pháp, Hội đồng phối hợp liên
ngành về trợ giúp pháp lý ở Trung ương, Cục Trợ giúp pháp lý tiếp tục quan tâm,
chỉ đạo công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh; tăng cường chỉ đạo, thực
hiện nghiêm túc việc triển khai thực hiện Luật trợ giúp pháp lý, các văn bản hướng
dẫn thi hành và Thông tư liên tịch số
10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 29/6/2018 để bảo đảm phát huy
những kết quả đạt được và có những mục tiêu phát triển mạnh mẽ hơn, khẳng định
vị trí, vai trò của hoạt động trợ giúp pháp lý./.
Trần Thị Bình – Trung tâm trợ giúp pháp lý
Nhà nước tỉnh Nam Định