Kiểm tra công tác phối hợp Trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tại huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định
Thực hiện Kế hoạch số
1477/KH-HĐPHLN ngày 03 tháng 11 năm 2022 của
Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng
về việc kiểm tra công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng
trên địa bàn tỉnh Nam Định năm 2022, trong ngày 25/11/2022, Đoàn kiểm tra của
Hội đồng phối hợp liên ngành do đồng chí Dương Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tư
pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng làm Trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra công tác phối
hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tại các cơ quan tiến
hành tố tụng (Công an, Viện kiểm sát, Toà án nhân dân) huyện
Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Tham gia Đoàn kiểm tra có đồng chí Nguyễn Thị Bạch
Tuyết, Phó Chánh tòa Hình sự, Tòa án nhân dân tỉnh Nam Định; đồng chí Nguyễn
Chí Công, Phó trưởng phòng 2, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nam Định; Đồng chí
Phạm Thế Hưng, Phó Chánh văn phòng cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nam
Định; đồng chí Nguyễn Hoài Thanh, Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước
tỉnh Nam Định và các đồng chí trong Tổ giúp việc của Hội đồng. Đại diện các đơn
vị được kiểm tra có đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Chánh án Tòa án nhân dân huyện
Giao Thủy; đồng chí Trần Văn Trường, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân
huyện Giao Thủy; đồng chí Đinh Văn Thiện, Phó Thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều
tra Công an huyện Giao Thủy.

Đồng
chí Dương Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng
triển khai nội dung kiểm tra công tác phối hợp
liên ngành về trợ giúp pháp lý
trong
hoạt động tố tụng
Tại buổi làm việc, Đoàn
kiểm tra đã nghe đại diện lãnh đạo các đơn vị (Công an, Viện kiểm sát,
Toà án nhân dân) báo cáo kết quả công tác phối hợp thực hiện trợ giúp
pháp lý trong hoạt động tố tụng; đồng thời, Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra
việc niêm yết Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý, Tờ thông tin về trợ giúp pháp
lý và sổ theo dõi vụ việc tham gia tố tụng tại các đơn vị được kiểm tra. Kết
quả cho thấy, các đơn vị được kiểm tra về cơ bản đã thực hiện đầy đủ các nội
dung phối hợp theo quy định của Thông tư liên tịch số
10/2018/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 29/6/2018 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an,
Bộ Quốc Phòng, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân
tối cao quy định phối hợp về thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố
tụng (gọi tắt Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT); cụ thể: Các đơn
vị đã thực hiện nghiêm túc việc quán triệt, triển khai các nội dung phối hợp
theo Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT đến toàn thể cán bộ, công chức, chiến
sĩ trong đơn vị; niêm yết công khai Bảng thông, Tờ thông tin về trợ giúp pháp
lý tại trụ sở cơ quan, đơn vị, Nhà tạm giữ; cấp phát mẫu đơn yêu cầu trợ giúp
pháp lý, tờ gấp pháp luật; hướng dẫn, giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý
cho các đối tượng trong các vụ án và thông báo về trợ giúp pháp lý, thông tin
về trợ giúp pháp lý đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước, Chi nhánh trợ giúp
pháp lý số 2; trong vụ án hình sự, dân sự việc giải thích đã được lập thành
biên bản và lưu hồ sơ vụ án theo đúng quy định; việc thông báo thời gian, địa
điểm tiến hành các hoạt động tố tụng và việc giao các văn bản tố tụng cho người
thực hiện trợ giúp pháp lý đảm bảo kịp thời, đúng thời gian quy định,…

Đ/c Nguyễn Văn Tuấn - Chánh án TAND huyện Giao Thủy báo cáo
kết quả công tác phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng của TAND
huyện Giao Thủy
Bên cạnh những kết quả
đạt được Đoàn kiểm tra cũng đã chỉ ra một số hạn chế trong công tác phối hợp
như: số lượng người thuộc diện được trợ giúp
pháp lý trong các vụ việc, vụ án được trợ giúp pháp lý miễn phí còn chiếm tỷ lệ
thấp so với số lượng vụ việc, vụ án các cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành thụ
lý, giải quyết trên thực tế, chủ yếu là trợ giúp pháp lý trong vụ án hình sự,
không có vụ việc dân sự, hành chính và tập trung ở đối tượng người bị buộc tội
thuộc hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 75%), các nhóm đối tượng khác còn hạn chế. Nguyên nhân do nhận
thức về hoạt động trợ giúp pháp lý của một bộ phận người dân còn hạn chế, tâm
lý còn e ngại, chưa nhận thức đầy đủ về sự cần thiết và vai trò của người bào
chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ tại các giai đoạn tố tụng. Mặt
khác, công
tác truyền thông về hoạt động trợ giúp pháp lý cho người dân, trách nhiệm phối
hợp của người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng theo quy định của
Thông tư liên tịch số 10/2018 còn chưa kịp thời, thường xuyên.
Kết thúc buổi làm việc, đồng chí Dương Văn Nghĩa, Phó Giám đốc
Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp liên ngành đã có một số kết luận
đánh giá cao công tác chuẩn bị và kết quả hoạt động phối hợp thực hiện trong
giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng của các Cơ quan tiến hành tố tụng trên địa
bàn huyện Giao Thủy. Trong thời gian tới các đơn vị cần tiếp tục tăng cường
công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các nội dung của Thông tư liên tịch
số 10/2018/TTLT và các văn bản chỉ đạo của ngành mình đến toàn thể cán bộ, công
chức, chiến sĩ trong đơn vị; tăng cường hơn nữa công tác phối hợp về trợ giúp
pháp lý trong hoạt động tố tụng, tránh bỏ sót đối tượng thuộc diện được trợ
giúp pháp lý; tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động trợ giúp pháp lý của đội
ngũ Trợ giúp viên pháp lý. Hy vọng thời gian tới các cơ quan, đơn vị được kiểm
tra tiếp tục phát huy những ưu điểm, đồng thời khắc phục có hiệu quả những hạn
chế, tăng cường mối quan hệ phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước và
Chi nhánh Trợ giúp pháp lý số 2 để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của
người được trợ giúp pháp lý./.
Trần Thị Bình – Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Nam Định