Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Thực hành kinh doanh có trách nhiệm – Nhìn từ thực tiễn thi hành pháp luật
Lượt xem: 3906

Theo Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), thực hành kinh doanh có trách nhiệm (RBP) là các thực hành nhằm ngăn ngừa và giải quyết các tác động tiêu cực đến con người và trái đất, có khả năng đóng góp cho xã hội và sự phát triển bền vững trên phạm vi rộng hơn. Việc thực hiện thực hành này ngày càng trở nên cấp thiết, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập sâu vào kinh tế toàn  cầu với việc phê chuẩn và thực hiện các hiệp định tự do thương mại tự do thế hệ mới (FTA) trải rộng và phức tạp cũng như những thách thức mà xã hội phải đối mặt với phát triển bền vững.

Thực tế, những năm gần đây, yếu tố trách nhiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đang dần trở thành một xu thế tất yếu trên thế giới. Việt Nam đã có hệ thống quy định chặt chẽ về thực hành kinh doanh có trách nhiệm, nhiều chính sách, hành lang pháp lý cũng đã được ban hành để hướng doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm đối với nền kinh tế, môi trường và xã hội, ví dụ như Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Bộ Luật Lao động, Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư….

Nghiên cứu do UNDP vừa thực hiện với gần 300 doanh nghiệp tại 30 tỉnh/thành phố cho thấy, mức độ nhận thức về RBP của các DN ở Việt Nam, đặc biệt là các DN tư nhân vẫn còn thấp. Hầu hết DN Việt Nam mới dừng ở việc tuân thủ RBP vì “quy định của pháp luật”, mà chưa thấy rõ động lực, lợi ích hoạt động này mang lại. Theo bà Sitara Syed- Phó đại diện thường trú của UNDP: “Phục hồi từ COVID-19 cũng là cơ hội để Việt Nam tiến lên tốt đẹp hơn, thông qua phát triển các Doanh nghiệp có trách nhiệm với con người và môi trường. Và, doanh nghiệp có thể là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà không ảnh hưởng đến phát triển bền vững”.

Qua thực tiễn nghiên cứu, chúng tôi thấy cần phải chỉ ra một số vướng mắc trong quy định của pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm như sau:

-  Một số quy định về pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chỉ phù hợp với các giao dịch, kinh doanh, tiêu dùng có tính “truyền thống” mà chưa tính đến một số phương thức mới, hiện đại, đặc biệt là sự phát triển của thương mại điện tử và cách mạng khoa học công nghệ 4.0; nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng mới xuất hiện nhưng chưa được bổ sung vào phần các hành vi cấm hoặc nghĩa vụ của các chủ thể có liên quan.

- Hầu hết các quy định hiện hành về kinh doanh có liên quan đến người khuyết tật mới chủ yếu tập trung vào trách nhiệm của doanh nghiệp, người sử dụng lao động. Còn thiếu các quy định về người khuyết tật trong nội quy của các doanh nghiệp. Các chính sách khuyến khích doanh nghiệp tiếp nhận lao động là người khuyết tật còn hạn chế và chưa phù hợp với tình hình thực tế.

- c quy định pháp luật về trẻ em chủ yếu tập trung quy định về trách nhiệm tại nơi làm việc đối với lao động trẻ em và lạm dụng lao động trẻ em. Tuy nhiên khung pháp lý về trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tôn trọng quyền trẻ em trong kinh doanh, trong bối cảnh đảm bảo môi trường trong sạch và lành mạnh cho trẻ em còn thiếu.

Trong khi đó, thực tiễn thi hành pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập:

Ví dụ như trong lĩnh vực lao động, còn hiện tượng doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Bộ Luật lao động, Luật Việc làm, Luật An toàn vệ sinh lao động như không  thông báo hằng tháng tình trạng biến động lao động với cơ quan lao động; không thực hiện báo cáo tình hình sử dụng lao động, tình hình tai nạn lao động, công tác an toàn vệ sinh lao động; sử dụng lao động là người nước ngoài làm việc nhưng không thực hiện báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng lao động… Lực lượng thanh tra lao động và cán bộ quản lý nhà nước về lao động còn mỏng, khối lượng công việc nhiều, tần suất thanh tra, kiểm tra thấp, chưa kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các doanh nghiệp cố tình vi phạm pháp luật lao động.

Hay như là trong lĩnh vực môi trường, nhận thức, ý thức trong chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và nhận thức về thực hành kinh doanh có trách nhiệm của các cơ sở sản xuất kinh doanh còn hạn chế; đặc biệt là các cơ sở sản xuất kinh doanh quy mô nhỏ, lẻ chưa chú trọng đầu tư công nghệ, thiết bị để xử lý chất thải phát sinh; hoạt động bảo vệ môi trường tại một số cơ sở sản xuất còn mang tình hình thức, chống đối. Trang thiết bị phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường còn thiếu; Cơ sở hạ tầng tại khu vực đô thị, nông thôn hiện nay chưa đồng bộ, một số nơi đã bị xuống cấp, đặc biệt tại khu vực làng nghề gây khó khăn cho việc tiêu thoát nước, thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt tập trung. Các chính sách xã hội hóa, thu hút đầu tư vào lĩnh vực môi trường chưa hiệu quả, chưa thu hút được các nguồn vốn đầu tư vào bảo vệ môi trường; Bộ máy làm công tác quản lý về môi trường còn thiếu nhiều về số lượng chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ, thực tế.

Trong thi hành pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta ngày càng sâu rộng nên có nhiều hình thức kinh doanh, tiêu dùng mới như các giao dịch thương mại điện tử, bán hàng online, bán hàng đa cấp..., trong khi đó, các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa đầy đủ, chưa bao quát và chưa phù hợp với thực tiễn nên việc quản lý cũng như xử lý các vi phạm rất khó khăn, lúng túng.

Trong thời gian tới, để nâng cao việc thực hành kinh doanh có trách nhiệm của doanh nghiệp, thiết nghĩ cần phải tập trung vào một số giải pháp sau:

- Thứ nhất là không ngừng tăng cường công tác tuyên truyền về việc thực hành kinh doanh có trách nhiệm nhằm duy trì ổn định, tăng trưởng kinh tế; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định của pháp luật, phối hợp chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý về hoạt động của doanh nghiệp, để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Cần tăng cường các giải pháp trong công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với cơ quan Bảo hiểm xã hội, với tổ chức công đoàn trong thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tại các đơn vị sử dụng lao động nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế..Tăng cường mức độ tuân thủ của khung pháp lý, đặc biệt trong lĩnh vực chống phân biệt đối xử với người khuyết tật tại nơi làm việc, tăng cơ hội việc làm cho người khuyết tật. Tiếp tục áp dụng, triển khai các Chương trình khuyến khích doanh nghiệp có chính sách tuyển dụng và môi trường làm việc thân thiện cho người khuyết tật.

- Thứ hai là phải sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan về thực hành kinh doanh có trách nhiệm.

Luật Doanh nghiệp cần ghi nhận nghĩa vụ cụ thể của doanh nghiệp đối với xã hội. Để giám sát thực hành kinh doanh có trách nhiệm, Luật Doanh nghiệp cần quy định bắt buộc báo cáo các thông tin phi tài chính nhằm đánh giá thường xuyên tác động của doanh nghiệp đối với xã hội. Các yêu cầu về đánh giá tác động thực tế và dự báo của dự án đầu tư, trong đó có đánh giá tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội, cũng cần được tăng cường.

Sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành của Luật Bảo vệ người tiêu dùng đặc biệt là đối với nội dung về trách nhiệm của tổ chức xã hội trong việc tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nghiên cứu tạo cơ sở cho một số chính sách, cơ chế nhằm hỗ trợ các tổ chức trong quá trình hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Bổ sung riêng một quy định về cơ chế phối hợp trong triển khai các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thể hiện rõ cơ chế phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan, tổ chức và địa phương, trong đó có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể đối với từng cấp, từng ngành trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

- Thứ ba là Bộ Tư pháp cần phải phối hợp với các Bộ, Ngành sớm tham mưu Chính phủ hoàn thiện khung pháp lý, đảm bảo thống nhất các quy định pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm để giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vững bước đi lên trong hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu./.

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Cơ quan thiết lập Trang TTĐT: Sở Tư pháp tỉnh Nam Định. Giấy phép số 01/GP-STTTT cấp ngày 31/01/2019
Địa chỉ: 325 Đường Trường Chinh - TP. Nam Định. Điện thoại: (0228) 3849381
Bộ phận cấp phiếu Lý lịch tư pháp: 0228.3636606; Phòng Công chứng số 1: 0228.3528096
Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản: 0228.3836335; Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước: 0228.3526669 
Designed by VNPT Nam Định
  
Chung nhan Tin Nhiem Mang