Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT PHÒNG, CHỐNG NHIỄM VI RÚT GÂY RA HỘI CHỨNG SUY GIẢM MIỄN DỊCH MẮC PHẢI Ở NGƯỜI (HIV/AIDS) NĂM 2020 CÓ HIỆU LỰC NGÀY 01/7/2021
Lượt xem: 2021

Ngày 16/11/2020, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) số 64/2006/QH11,Chủ tịch nước ký Lệnh công bố ngày 30/11/2020 (Lệnh số 16/2020/L-CTN). Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021. Theo đó:

1. Bố cục

- Điều 1. Sửa đổi, bổ sung 14 điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS (Điều 2 về giải thích từ ngữ; Điều 4 về quyền và nghĩa vụ của người nhiễm HIV; Điều 11 về đối tượng tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS; Điều 12 về trách nhiệm thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS; Điều 18 về phòng, chống HIV/AIDS trong cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở bảo trợ xã hội, trại giam, trại tạm giam; Điều 20 về người nhiễm HIV, người có nguy cơ cao tham gia phòng, chống HIV/AIDS; Điều 21 về can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV; Điều 27 về xét nghiệm HIV tự nguyện; Điều 29 về thực hiện xét nghiệm HIV; Điều 30 về thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính và tiếp cận thông tin người nhiễm HIV; Điều 35 về phòng, chống lây nhiễm HIV từ mẹ sang con; Điều 36 về điều trị dự phòng phơi nhiễm với HIV; Điều 39 về tiếp cận thuốc kháng HIV; Điều 43 về nguồn lực cho phòng, chống HIV/AIDS).

Bãi bỏ hai điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS năm 2006, bao gồm Điều 42 về áp dụng pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, xử lý vi phạm hành chính đối với người bị xử lý hình sự, hành chính mà bị bệnh AIDS giai đoạn cuối; Điều 44 về quỹ hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV.

- Điều 2. Hiệu lực thi hành.

2. Những nội dung cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS dựa trên hai chính sách: (1) Tăng cường tiếp cận thông tin người nhiễm HIV và (02) Bảo đảm quyền được tiếp cập dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS của mọi đối tượng. Cụ thể như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung các thuật ngữ: “Xét nghiệm HIV”,Các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV” vàDự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV”tại Điều 2 về giải thích từ ngữ để bảo đảm cách hiểu thống nhất, chính xác phù hợp với nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật. Theo đó, “xét nghiệm HIV là việc thực hiện các kỹ thuật chuyên môn nhằm xác định tình trạng nhiễm HIV trong mẫu máu, mẫu dịch sinh học của cơ thể người, bao gồm xét nghiệm sàng lọc HIV và xét nghiệm khẳng định HIV dương tính”; “Người di biến động là người thường xuyên sống xa gia đình, thay đổi chỗ ở và nơi làm việc”; “Dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV là việc sử dụng thuốc kháng HIV để phòng ngừa, giảm nguy cơ nhiễm HIV”.

b) Bổ sung nghĩa vụ của người nhiễm HIV phải thông báo tình trạng nhiễm HIV của mình cho vợ, chồng, người dự định kết hôn, người sống như vợ, chồng với mình để phòng ngừa lây nhiễm HIV cho người đó. Đây là nội dung cần thiết để góp phần bảo vệ quyền được an toàn của mỗi cá nhân và giảm nguy cơ lây nhiễm HIV từ người nhiễm HIV qua quan hệ tình dục (sửa đổi điểm b khoản 2Điều 4 của Luật Phòng, chống HIV/AIDS năm2006).

c) Điều chỉnh, bổ sung một số đối tượng nguy cơ cao được ưu tiên các biện pháp tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS gồm nhóm người quan hệ tình dục đồng giới nam (MSM), người chuyển đổi giới tính, người có quan hệ tình dục với người nhiễm HIV và với các đối tượng nguy cơ cao, phạm nhân, người bị tạm giữ, tạm giam, trại viên cơ sở giáo dục bắt buộc, học sinh trường giáo dưỡng (sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 11của Luật Phòng, chống HIV/AIDS năm 2006).

d) Bổ sung trường hợp cơ quan thông tin đại chúng thực hiện thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS được thu phí theo đặt hàng, giao nhiệm vụ có bố trí kinh phí của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phù hợp với thực tiễn về tự chủ tài chính hiện nay, tránh quy định mang tính hình thức là miễn phí nhưng không khả thi. Đồng thời, chỉnh sửa tên một số cơ quan, tổ chức của nhà nước có thay đổi so với trước[1]. (Khoản 3, 7 Điều 12 và Điều 18 củaLuật Phòng, chống HIV/AIDS năm 2006).

đ) Điều chỉnh, mở rộng sự tham gia của người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao được tham gia một số biện pháp phòng, chống HIV/AIDS như: cung cấp dịch vụ xét nghiệm sàng lọc HIV, sinh phẩm tự xét nghiệm sàng lọc HIV cho người có nguy cơ cao tại cộng đồng theo quy định của pháp luật; giới thiệu, tư vấn sử dụng và tuân thủ điều trị, chuyển gửi người nguy cơ cao tham gia điều trị dự phòng trước và sau phơi nhiễm HIV. Đây là những hoạt động, dịch vụ đơn giản, dễ thực hiện và phù hợp với điều kiện của người nhiễm HIV, người nguy cơ cao, tạo điều kiện để những người trong các nhóm đồng đẳng, nhất là người có mặc cảm dễ tiếp cận với các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS (sửa đổi, bổ sung Điều 20 của Luật Phòng, chống HIV/AIDSnăm 2006).

e) Luật hóa để quy định cụ thể các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lẫy nhiễm HIV hiện đang thực hiện theo quy định của Chính phủ và quy định cụ thể các đối tượng được tiếp cận các biện pháp can thiệp giảm tác hại để bảo đảm hiệu lực pháp lý và tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật. Bổ sung biện pháp can thiệp mới là “dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng vi rút HIV”. Đây là biện pháp kỹ thuật mới rất có hiệu quả trong phòng lây nhiễm HIV (sửa đổi, bổ sung Điều 21 của Luật Phòng, chống HIV/AIDSnăm 2006).

Ngoài ra, để Quốc hội xem xét quyết định trong dự thảo Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi và Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi về tính đồng bộ thống nhất giữa các luật này với hệ thống pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS trong việc đảm bảo quyền tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS liên tục, hiệu quả của người nghiện ma túy, Chính phủ đã thống nhất bổ sung vào Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi và Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi quy định về việc đảm bảo người đang tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế không bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp cai nghiện bắt buộc.

g) Giảm độ tuổi được quyền tự nguyện đề nghị xét nghiệm HIV của trẻ em từ đủ 16 tuổi xuống đủ 15 tuổi mà không cần sự đồng ý của cha mẹ, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật để bảo đảm phù hợp với tình trạng thực tế lây nhiễm HIV trong nhóm trẻ hiện nay cần được xét nghiệm sớm để điều trị kịp thời nếu trẻ nhiễm HIV, bảo đảm quyền được chăm sóc sức khỏe của trẻ em, khắc phục được các tồn tại hiện nay. Trường hợp trẻ nhiễm HIV thì cơ sở xét nghiệm sẽ thông báo cho cha mẹ, người giám hộ biết để kịp thời hỗ trợ, tạo điều kiện chăm sóc và điều trị cho trẻ (sửa đổi, bổ sung Điều 27 của Luật Phòng, chống HIV/AIDSnăm 2006).

h) Quy định theo hướng phân tách cụ thể các kỹ thuật xét nghiệm tương ứng với phạm vi và điều kiện thực hiện từ đơn giản (xét nghiệm sàng lọc tại cộng đồng) đến phức tạp (khẳng định trường hợp HIV dương tính) để đáp ứng yêu cầu phát triển kỹ thuật hiện nay. Đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với điều kiện của cơ sở xét nghiệm HIV. Bổ sung quy định người được xét nghiệm HIV cung cấp chính xác địa chỉ nơi cư trú và số chứng minh thư nhân dân hoặc số thẻ căn cước công dân của mình cho cơ sở xét nghiệm trước khi thực hiện xét nghiệm để nhận kết quả xét nghiệm HIV dương tính (sửa đổi, bổ sung Điều 29 của Luật Phòng, chống HIV/AIDS năm 2006).

i) Bổ sung đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV để bảo đảm lợi ích của người nhiễm HIV trong việc điều trị, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho họ cũng như phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm HIV cho người trực tiếp chăm sóc, điều trị cho họ (sửa đổi, bổ sung Điều 30 của Luật Phòng, chống HIV/AIDSnăm 2006). Cụ thể:

- “Người đứng đầu cơ quan, đơn vị và người được giao nhiệm vụ giám sát dịch HIV/AIDS được thông báo kết quả xét nghiệm HIV để thống kê, đánh giá nguy cơ lây nhiễm HIV ra cộng đồng của họ.

- “Những người được tiếp cận thông tin của người nhiễm HIV gồm: Người đứng đầu, người được giao nhiệm vụ giám sát dịch HIV/AIDS; Người đứng đầu, người được giao nhiệm vụ của cơ quan bảo hiểm xã hội khi trực tiếp thực hiện việc giám định, thanh toán, quản lý thông tin khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV; Người đứng đầu, người được giao nhiệm vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi trực tiếp thực hiện việc thanh toán, quản lý thông tin khám bệnh, chữa bệnh cho người nhiễm HIV.” Đồng thời quy định phạm vi và nội dung thông tin của người nhiễm HIV được tiếp cận để đảm bảo giữ bí mật thông tin của người nhiễm HIV, nhưng vẫn thực hiện các nhiệm vụ trong phạm vi được giao.

k) Tiếp tục quy định phụ nữ mang thai tự nguyện xét nghiệm HIV được miễn phí như quy định hiện hành; bổ sung thêm quy định về nguồn kinh phí chi trả xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai là từ Quỹ bảo hiểm y tế đối với người có thẻ BHYT và từ ngân sách nhà nước cho người không có thẻ bảo hiểm y tế (sửa đổi, bổ sung Điều 35 của Luật Phòng, chống HIV/AIDS năm 2006);  điều chỉnh đối tượng được cấp miễn phí thuốc kháng HIV: Người bị phơi nhiễm với HIV, bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp hoặc do rủi ro của kỹ thuật y tế hoặc do tham gia cứu nạn, phụ nữ và trẻ em có chỉ định điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, trẻ em dưới 6 tuổi, người nhiễm HIV trong cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở bảo trợ xã hội, trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giam giữ khác (sửa đổi, bổ sung Điều 39 Luật Phòng, chống HIV/AIDS năm 2006. Các đối tượng trước đây được cấp miễn phí thuốc kháng HIV theo quy định của Luật Phòng, chống HIV/AIDS năm 2006 là trẻ em từ đủ 6 tuổi đến dưới 16 tuổi; người nhiễm HIV tích cực tham gia phòng, chống HIV, người nhiễm HIV có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn). Các quy định này nhằm bảo đảm điều kiện thuận lợi về quyền tiếp cận dịch vụ can thiệp giảm tác hại, xét nghiệm HIV, chăm sóc điều trị HIV/AIDS của mọi người dân, đặc biệt phụ nữ mang thai, trẻ em, nhóm người yếu thế.

l) Bổ sung biện pháp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIVlà biện pháp chuyên môn kỹ thuật mới, hiệu quả cho người có nguy cơ phơi nhiễm với HIV, người phơi nhiễm với HIVđể tăng tiếp cận và hiệu quả phòng ngừa lây nhiễm HIV cho các đối tượng này (sửa đổi, bổ sung Điều 36 của Luật Phòng, chống HIV/AIDS năm2006).

m) Quy định cụ thể hơn về nguồn lực và huy động các nguồn lực khác nhau cho phòng, chống HIV/AIDS bảo đảm thực hiện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nhằm mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam, thể hiện vai trò Nhà nước trong việc cam kết nguồn lực hỗ trợ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS đối với cộng đồng quốc tế (sửa đổi, bổ sung Điều 43 của Luật Phòng, chống HIV/AIDS năm2006).

n) Bãi bỏ Điều 42 về tạm đình chỉ điều tra, miễn chấp hành hình phạt đối với người bị AIDS giai đoạn cuối, do khi người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS, nếu được điều trị ARV sẽ khỏe mạnh bình thường. Việc bỏ điều khoản này cũng nhằm đảm bảo quyền được điều trị HIV/AIDS cho những người nhiễm HIV trong cơ sở giam giữ, không để cho họ bị tử vong do AIDS nếu không được điều trị. Mặt khác, hiện nay việc tạm đình chỉ điều tra, miễn chấp hành hình phạt tù và các biện pháp xử lý vi phạm hành chính đang được thực hiện theo các luật về hình sự, tố tụng hình sự, xử lý vi phạm hành chính mới được ban hành.

o) Bãi bỏ Điều 44 về Quỹ hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV. Dự kiến Chính phủ đề xuất ghép nội dung hoạt động của Quỹ này trong một Quỹ chung về lĩnh vực y tế khi xây dựng trong Luật phòng bệnh trình Quốc hội trong nhiệm kỳ tới. Việc bãi bỏ điều này không làm ảnh hưởng đến quyền được hỗ trợ, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS của người nhiễm HIV do việc điều trị HIV/AIDS đã được Quỹ bảo hiểm y tế chi trả hoặc ngân sách nhà nước đảm bảo cho một số đối tượng quy định tại Điều 39 sửa đổi, bổ sung. Việc bãi bỏ Quỹ này phù hợp với chủ trương tại Nghị quyết số 792/2019/NQ-UBTVQH14 ngày 22/10/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.



[1] Bộ Văn hóa – Thông tin thành Bộ Thông tin và Truyền thông; bổ sung thêm nhiệm vụ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Tin khác
1 2 3 4 
Cơ quan thiết lập Trang TTĐT: Sở Tư pháp tỉnh Nam Định. Giấy phép số 01/GP-STTTT cấp ngày 31/01/2019
Địa chỉ: 325 Đường Trường Chinh - TP. Nam Định. Điện thoại: (0228) 3849381
Bộ phận cấp phiếu Lý lịch tư pháp: 0228.3636606; Phòng Công chứng số 1: 0228.3528096
Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản: 0228.3836335; Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước: 0228.3526669 
Designed by VNPT Nam Định
  
Chung nhan Tin Nhiem Mang