Nghị định số 91/2020/NĐ-CP của Chính phủ chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác sẽ có hiệu lực từ ngày 01/10/2020
Ngày 14/8/2020 Chính phủ
ban hành Nghị định số 91/2020/NĐ-CP chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác. Nghị định gồm 5
Chương 37 Điều quy định về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác và
quy định về quảng cáo bằng tin nhắn (SMS, MMS, USSD), thư điện tử và gọi điện
thoại; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân và bổ sung quy định xử
lý vi phạm hành chính về tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác.
Theo đó, bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính
vào một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ
quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần
số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, cụ thể:
1. Đối với vi phạm quy định liên quan tới thư điện tử, tin nhắn, gọi điện
thoại cung cấp thông tin về sản phẩm, dịch vụ
a. Phạt tiền từ 5.000.000
đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- Gọi điện thoại quảng
cáo đến người sử dụng khi chưa được người sử dụng đồng ý một cách rõ ràng;
- Gọi điện thoại quảng
cáo đến người sử dụng đã từ chối nhận cuộc gọi quảng cáo;
- Gửi tin nhắn đăng ký
quảng cáo khi người sử dụng đã từ chối hoặc không trả lời nhận tin nhắn đăng ký
quảng cáo.
b. Phạt tiền từ
20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- Thực hiện quá 01 cuộc
gọi quảng cáo tới 01 số điện thoại trong vòng 24 giờ mà không có thỏa thuận
khác với người sử dụng;
- Gọi điện thoại quảng
cáo ngoài khoảng thời gian từ 08 giờ đến 17 giờ mỗi ngày mà không có thỏa thuận
khác với người sử dụng;
- Không có biện pháp kiểm
tra việc đã đồng ý trước một cách rõ ràng của người sử dụng khi gửi tin nhắn
quảng cáo, thư điện tử quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo;
- Không cung cấp cho
người sử dụng công cụ tra cứu hoặc lưu trữ các thỏa thuận về việc đăng ký, từ
chối cuộc gọi quảng cáo, tin nhắn đăng ký quảng cáo trên Cổng/Trang thông tin
điện tử, mạng xã hội của mình để phục vụ việc thanh, kiểm tra và giải quyết
khiếu nại, tố cáo.
c. Phạt tiền từ
60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- Gửi tin nhắn đăng ký
quảng cáo không đúng quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Gửi bất kỳ tin nhắn
đăng ký quảng cáo nào đến các số điện thoại nằm trong Danh sách không quảng
cáo.
d. Phạt tiền từ
80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi gửi tin nhắn quảng cáo,
gọi điện thoại quảng cáo đến các số điện thoại nằm trong Danh sách không quảng
cáo.
e. Biện pháp khắc phục
hậu quả: buộc thu hồi số điện thoại do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại
khoản 1 Điều 94 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP.
2. Đối với vi
phạm quy định về cung cấp dịch vụ thư điện tử, tin nhắn, gọi điện thoại quảng
cáo, dịch vụ nội dung qua tin nhắn
a. Phạt tiền từ
10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- Không cung cấp công cụ,
ứng dụng cho phép người sử dụng tự chủ động ngăn chặn thư điện tử rác và phản
ánh về thư điện tử rác;
- Không có biện pháp
chặn, lọc, cập nhật danh sách các nguồn phát tán thư điện tử rác hoặc không có
giải pháp để tránh mất mát và ngăn chặn nhầm thư điện tử của người sử dụng;
- Không giám sát, kiểm
soát, rà quét hệ thống máy chủ thư điện tử của mình để đảm bảo không trở thành
nguồn phát tán thư điện tử rác;
- Không báo cáo, thống kê
định kỳ theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
b.
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các
hành vi sau đây: Không xây dựng, cập nhật, cung cấp và chia sẻ danh sách đen
địa chỉ IP/tên miền phát tán thư điện tử rác dùng chung cho Bộ Thông tin và
Truyền thông (Cục An toàn thông tin) và các doanh nghiệp viễn thông, Internet
khác.
c. Phạt tiền từ
50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- Không cung cấp cho
người sử dụng các công cụ, ứng dụng để phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác và
cho phép người sử dụng chủ động ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác;
- Không cung cấp, cập
nhật và chia sẻ các mẫu tin nhắn rác dùng chung cho Bộ Thông tin và Truyền
thông (Cục An toàn thông tin) và các doanh nghiệp viễn thông khác;
- Không chặn lọc các địa
chỉ IP/tên miền phát tán hoặc bị lạm dụng phát tán thư điện tử rác thuộc quyền
quản lý của mình;
- Không thực hiện các
biện pháp đánh giá tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác trên mạng viễn thông
của mình.
d. Phạt tiền từ
50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng các tên định danh
không phải do Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục An toàn thông tin) cấp hoặc đã
được Bộ Thông tin Truyền thông (Cục An toàn thông tin) cấp cho tổ chức, cá nhân
khác mà không được tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng tên định danh đó cho phép
hoặc sử dụng tên định sau khi bị thu hồi (áp dụng từ ngày 01/3/2021).
đ. Phạt tiền từ
70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng tên định danh để
gửi tin nhắn rác hoặc cung cấp các dịch vụ vi phạm các quy định của pháp luật
theo kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (áp dụng từ ngày 01/3/2021).
e.
Phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 170.000.000 đồng đối với các hành vi:
- Không thực hiện các
biện pháp ngăn chặn tin nhắn quảng cáo, cuộc gọi quảng cáo đến Danh sách không
quảng cáo;
-
Không ngăn chặn, thu hồi địa chỉ điện tử được dùng để phát tán tin nhắn rác,
thư điện tử rác, cuộc gọi rác theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Không xây dựng, vận
hành hệ thống kỹ thuật để phòng chống, ngăn chặn tin nhắn rác, thư điện tử rác,
cuộc gọi rác;
- Không xây dựng, kết nối
hệ thống kỹ thuật quản lý tên định danh của mình tới Hệ thống quản lý tên định
danh quốc gia;
- Không thực hiện các
nhiệm vụ điều phối ngăn chặn, xử lý thư điện tử rác, cuộc gọi rác và các biện
pháp nghiệp vụ khác theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục An toàn
thông tin).
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2020 và thay
thế các Nghị định của Chính phủ: số 90/2008/NĐ-CP ngày 13/8/2008 về chống thư
rác, Nghị định số 77/2012/NĐ-CP ngày 05/10/2012 sửa đổi, bổ
sung một số điều của Nghị định số 90/2008/NĐ-CP ngày 13/8/2008 về chống thư
rác.