Thông tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết các nội dung tại điểm c khoản 1 Điều 31 Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2019 của Chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước
Ngày 31/8/2020, Bộ Tài
nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 07/2020/TT-BTNMT
quy định chi tiết các nội dung tại điểm c khoản 1 Điều 31 Nghị định số
66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2019 của Chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các
vùng đất ngập nước, bao gồm: phân loại, thống kê, kiểm kê đất ngập nước trên phạm
vi toàn quốc; quan trắc các vùng đất ngập nước quan trọng; xây dựng báo cáo về
các vùng đất ngập nước; tổ chức hội đồng thẩm định hồ sơ dự án thành lập khu bảo
tồn đất ngập nước; tổ chức quản lý khu bảo tồn đất ngập nước, vùng đất ngập nước
quan trọng nằm ngoài khu bảo tồn. Theo đó:
1. Quy định về phân loại đất ngập nước
a. Phân loại đất ngập nước là việc xác định
các kiểu đất ngập nước phục vụ cho hoạt động quản lý, bảo tồn và sử dụng bền vững
các vùng đất ngập nước.
b. Căn cứ vào các yếu tố thủy văn, hải văn,
địa hình, địa mạo, điều kiện thổ nhưỡng, mức độ tác động của con người và ảnh
hưởng của các yếu tố biển, lục địa, các vùng đất ngập nước được chia thành 03
(ba) nhóm như sau:
- Vùng đất ngập nước ven biển, ven đảo là
những vùng đất ngập nước tự nhiên mặn, lợ ở ven biển, ven đảo (ký hiệu nhóm I);
- Vùng đất ngập nước nội địa là những vùng
đất ngập nước ngọt tự nhiên nằm trong lục địa hoặc nằm gần ven biển (ký hiệu
nhóm II);
- Vùng đất ngập nước nhân tạo là các vùng đất
ngập nước được hình thành do tác động của con người (ký hiệu nhóm III).
c. Vùng đất ngập nước
ven biển, ven đảo được xác định gồm các vùng sau:
- Vùng đất ngập nước tính từ đường mực nước
triều cao trung bình trong nhiều năm trở ra phía biển đến đường mép nước biển
thấp nhất (ngấn thủy triều thấp nhất) trung bình trong nhiều năm;
- Vùng đất ngập nước tính từ đường mép nước
biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm trở ra phía biển đến độ sâu 06 mét so
với mặt nước biển.
d. Vùng đất ngập nước không thuộc quy định
tại điểm c là vùng đất ngập nước nội địa và ranh giới được xác định từ đường mực
nước triều cao trung bình trong nhiều năm trở vào đất liền.
e. Căn cứ vào điều kiện địa hình, địa mạo,
thủy văn, hải văn, thổ nhưỡng, thảm thực vật, yếu tố sinh vật, hiện trạng sử dụng
đất và mặt nước, các vùng đất ngập nước thuộc 03 nhóm quy định tại điểm b được
phân loại thành 26 kiểu đất ngập nước theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm
theo Thông tư này.
2. Tổ chức quản lý khu bảo tồn đất ngập nước
a. Căn cứ vào quy mô diện tích, giá trị đa
dạng sinh học, môi trường, quyền sử dụng đất của khu vực thành lập khu bảo tồn
đất ngập nước và điều kiện thực tiễn, cơ quan có thẩm quyền thành lập khu bảo tồn
quyết định tổ chức quản lý khu bảo tồn đất ngập nước theo quy định của pháp luật.
b. Tổ chức quản lý khu bảo tồn đất ngập nước
đảm bảo các điều kiện phù hợp để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo quy định
tại khoản 2 Điều 15 Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày
29/7/2019 của Chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước;
thực hiện kế hoạch quản lý khu bảo tồn đất ngập nước được phê duyệt theo Mẫu đề
cương quy định tại Phụ lục IV và quy chế quản lý khu bảo tồn đất ngập nước được
phê duyệt theo Mẫu đề cương quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư
này.
3. Tổ chức quản lý vùng đất ngập nước quan trọng nằm ngoài khu bảo
tồn
a. Cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường
cấp tỉnh giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Quản lý nhà nước về bảo tồn và sử dụng bền
vững các vùng đất ngập nước quan trọng trên địa bàn theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2019 của
Chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước;
- Các nhiệm vụ quy định tại Điều 32 Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2019 của
Chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước theo phân công
của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
b. Các tổ chức, cá nhân có hoạt động trên
các vùng đất ngập nước quan trọng nằm ngoài khu bảo tồn có trách nhiệm thực hiện
Quy chế phối hợp quản lý. Nội dung quy chế phối hợp quản lý các vùng đất ngập
nước quan trọng nằm ngoài khu bảo tồn được xây dựng và thực hiện theo Mẫu đề
cương quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ
ngày 21/10/2020. Thông tư số 18/2004/TT-BTNMT ngày 23/8/2004 của Bộ Tài nguyên và
Môi trường hướng dẫn thực hiện Nghị định số 109/2003/NĐ-CP ngày 23/9/2003 của Chính phủ về bảo tồn
và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước hết hiệu lực thi hành kể từ ngày
Thông tư này có hiệu lực thi hành.