Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
10 năm thực hiện Luật phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Nam Định
Lượt xem: 592

Thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) số 14/2012/QH13 của Quốc hội khóa XIII, kỳ hợp thứ 3 thông qua ngày 20/6/2012, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 51/KH-UBND ngày 13/9/2012 về triển khai thực hiện Luật PBGDPL. Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện Luật PBGDPL một cách thống nhất, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Chỉ đạo Sở Tư pháp tham mưu giúp UBND tỉnh tổ chức quán triệt, phổ biến nội dung Luật PBGDPL và các văn bản hướng dẫn thi hành ở cấp tỉnh; thường xuyên kiểm tra đôn đốc việc triển khai công tác PBGDPL; hằng năm theo dõi, tổng hợp và báo cáo kết quả triển khai thực hiện về UBND tỉnh và Bộ Tư pháp. Thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thành phố đều đã xây dựng kế hoạch riêng hoặc lồng ghép trong Kế hoạch công tác PBGDPL hằng năm, tổ chức Hội nghị triển khai Luật PBGDPL và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành cho cán bộ, công chức và nhân dân ở đơn vị, địa phương mình.

Sau 10 năm thực hiện Luật PBGDPL, nhận thức về vị trí và vai trò, ý nghĩa của công tác PBGDPL và trách nhiệm được giao theo Luật của các cấp, các ngành và Nhân dân trên địa bàn tỉnh được nâng lên rõ rệt:

Kết quả tổ chức các hoạt động PBGDPL

Hàng năm, UBND tỉnh, HĐPH PBGDPL cấp tỉnh đều ban hành Kế hoạch triển khai công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh đảm bảo thời gian và đầy đủ nội dung theo quy định. Các cấp, các ngành, địa phương đều ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo triển khai công tác PBGDPL, định hướng chủ đề, nội dung, hình thức PBGDPL; phân công, giao trách nhiệm cho cơ quan, tổ chức; hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi các ngành, các cấp thực hiện có hiệu quả kế hoạch công tác PBGDPL; định kỳ hàng năm tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện với UBND tỉnh; đề xuất các giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch; kiểm tra, sơ kết, tổng kết và thực hiện công tác thi đua, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện công tác PBGDPL.

Các cơ quan thông tin đại chúng, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Nam Định cũng kịp thời tuyên truyền các văn bản pháp luật mới được ban hành; các dự thảo chính sách, pháp luật có tác động lớn đến xã hội; những vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội,… tới đông đảo cán bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh.

 Nội dung tuyên truyền tập trung vào các văn bản pháp luật mới được Quốc hội thông qua và các quy định, chính sách mới được HĐND, UBND ban hành, các chính sách, pháp luật có nội dung liên quan trực tiếp đến đất đai, tài nguyên môi trường; phòng chống thiên tai, dịch bệnh; cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, hoạt động sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp...

Các hình thức tuyên truyền, PBGDPL được áp dụng đa dạng, hiệu quả như: biên soạn, in ấn, phát hành tài liệu PBGDPL; tư vấn pháp luật, thi tìm hiểu pháp luật, tuyên truyền qua thiết chế văn hóa cơ sở, trên mạng Internet (Cổng thông tin điện tử/Trang thông tin điện tử); thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở... đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, Nhân dân.

Kết quả: Từ năm 2012 đến nay, các cấp, các ngành, đoàn thể, địa phương trong tỉnh đã tổ chức hơn 56.835 hội nghị tuyên truyền, phổ biến và lớp bồi dưỡng, tập huấn văn bản pháp luật, thu hút trên 3.596.842 lượt người tham dự; Hưởng ứng tham gia, tổ chức trên 277 cuộc thi tìm hiểu pháp luật thu hút trên 439.500 lượt người dự thi; Phát miễn phí hơn 4.634.482 tài liệu các loại; Đăng tải, phát trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở hơn 171.450 tin, bài; Xây dựng trên 700 chuyên trang, chuyên mục về pháp luật trên Trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, báo điện tử, kênh sóng phát thanh truyền hình...Trong đó:

Thi tìm hiểu pháp luật là một trong những hình thức tuyên truyền có hiệu quả trong công tác PBGDPL, thu hút đông đảo cán bộ, nhân dân ở mọi lứa tuổi tham gia, tạo ra phong trào tìm hiểu pháp luật trong nhân dân. Năm 2015, UBND tỉnh tổ chức “Cuộc thi tìm hiểu Hiến pháp năm 2013” trên phạm vi toàn tỉnh, đã thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Kết quả, sau 07 tháng phát động cuộc thi viết tìm hiểu Hiến pháp, Ban tổ chức đã thu nhận 139.807 bài dự thi, chấm chọn ra 20 bài xuất sắc trao giải cấp tỉnh và gửi về Ban tổ chức cuộc thi Trung ương để chấm vòng chung khảo. Tỉnh Nam Định đạt 01 giải B đối với tập thể, 01 giải ba, 03 giải khuyến khích, 01 giải phụ đối với cá nhân. Năm 2020, UBND thành phố Nam Định tổ chức thành công cuộc thi viết tìm hiểu Luât phòng, chống tham nhũng thu hút gần 2.500  người dự thi.  Tháng 3, 4 năm 2021, Sở Tư pháp phát động các sở, ngành, đoàn thể, địa phương hưởng ứng Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND” do Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Quốc hội tổ chức. Kết quả: thu hút được hơn 7.914 lượt dự thi với hơn 6.835 người tham dự, xếp thứ 25/63 tỉnh thành, phố...

Tuyên truyền, PBGDPL thông qua xét xử lưu động tại các phiên tòa được Tòa án nhân dân hai cấp chú trọng. Ngành Toà án chủ động xây dựng kế hoạch hằng năm tổ chức xét xử các vụ án điển hình tại những địa bàn nơi xảy ra tội phạm hoặc nơi người phạm tội cư trú để xét xử lưu động. Từ năm 2017 đến nay, Thông qua các phiên tòa lưu động đã tuyên truyền pháp luật và răn đe cảnh báo các hành vi vi phạm pháp luật. Viện kiểm sát 2 cấp đã thông qua xét xử lưu động trên 600 vụ án hình sự, hình sự trọng điểm, dân sự tại các xã, phường, thị trấn (100% VKS cấp huyện), nhất là các vụ án về tội “Giết người”, các vụ án về giao thông đường bộ, ma túy, án dư luận xã hội quan tâm… trực tiếp tuyên truyền, giáo dục nhiều quy định của pháp luật tới hàng nghìn lượt người dân trên toàn tỉnh.

Để Ngày Pháp luật thật sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị pháp lý sâu rộng nhằm nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật, góp phần tạo sự chuyển biến mới về chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hằng năm UBND tỉnh ban hành Kế hoạch, văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện. Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành, đoàn thể và 10/10 huyện, thành phố đều có văn bản chỉ đạo thực hiện và tích cực chuẩn bị triển khai tổ chức “Ngày pháp luật” trong đơn vị, địa phương mình. Đến nay, Việc tổ chức Ngày pháp luật đã đi vào nề nếp, mang lại những kết quả thiết thực và tạo thành đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý hàng năm và được cán bộ, công chức, viên chức,.. và Nhân dân tham gia, hưởng ứng.

Đẩy mạnh mô hình câu lạc bộ pháp luật ở cơ sở cả về số lượng và chất lượng. Mô hình câu lạc bộ ở cơ sở không chỉ tăng về số lượng mà đã đa dạng hơn về loại hình, các câu lạc bộ đã duy trì sinh hoạt đều đặn và có chất lượng hơn, chú trọng nội dung sinh hoạt theo chuyên đề, lồng ghép nội dung pháp luật, điển hình như mô hình câu lạc bộ “Tuổi trẻ với pháp luật”, Câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”, Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”…

Từ năm 2012 đến 2020, Tủ sách pháp luật tiếp tục được củng cố, duy trì tại UBND cấp xã và các ngành hữu quan luôn tâm nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tủ sách pháp luật, bảo đảm thuận lợi cho việc tìm hiểu pháp luật của nhân dân. Với kinh phí được cấp 2 triệu đồng/năm/tủ sách, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ các tủ sách đã được bổ sung nhiều đầu sách, tài liệu pháp luật mới đáp ứng nhu cầu tìm đọc của cán bộ và nhân dân. Đến nay, UBND các huyện, thành phố Nam Định đã chỉ đạo sáp nhập Tủ sách pháp luật cấp xã với Thư viện hoặc điểm Bưu điện - Văn hóa, Trung tâm học tập cộng đồng và hiện nay đang hoạt động hiệu quả trên địa bàn cấp xã theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 15 Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý được mở rộng, phát triển, hỗ trợ đắc lực cho tổ chức, công dân. Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước thuộc Sở Tư pháp từ năm 2012 đến nay đã thực hiện khoảng 230 buổi trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã, phường, thị trấn, trợ giúp pháp lý hơn 4.300 vụ việc trong đó tham gia tố tụng trên 750 vụ việc, tư vấn pháp luật và đại diện ngoài tố tụng 1.975 vụ việc. Thông qua hoạt động tư vấn, giải thích, hướng dẫn và bào chữa đã chuyển tải cho nhân dân nhiều thông tin pháp luật hữu ích, giúp họ bảo vệ quyền và thực hiện nghĩa vụ của mình theo đúng các quy định của pháp luật.

Một số mô hình hay, cách làm hiệu quả tiếp tục được các cơ quan (Hội LHPN tỉnh; BCH BĐBP tỉnh; BCH Quân sự tỉnh…), đơn vị trên địa bàn tỉnh phát huy, đem lại hiệu quả tích cực trong thời gian qua như: xây dựng video, phóng sự hình tuyên truyền pháp luật để tuyên truyền trên internet, các trang mạng xã hội, tổ chức cuộc thi Báo cáo viên pháp luật giỏi; cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật; biên soạn tờ gấp, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền pháp luật phát trên hệ thống loa truyền thanh tại 226 xã, phường, thị trấn…

Cùng với các hình thức trên, trong thời gian qua, nhiều cơ quan, đơn vị, đoàn thể cơ sở ký cam kết và tổ chức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân ký cam kết không vi phạm pháp luật là một trong những căn cứ để đánh giá, xếp loại tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, Đảng viên hằng năm, bình xét thi đua, xét, công nhận “Đơn vị văn hoá”, “Gia đình văn hoá”. Nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình như mô hình “Xã, phường, thị trấn không có ma tuý và tệ nạn xã hội”, “Chi hội nông dân tự quản về an ninh trật tự”, “Tổ tự quản an toàn giao thông”... với nhiều hình thức, nội dung tuyên truyền phong phú, đa dạng, đã và đang phát huy hiệu quả.  

Toàn tỉnh hiện có 3.550 tổ hòa giải với 21.088 hòa giải viên. Thông qua hoà giải, góp phần giữ gìn đoàn kết nội bộ nhân dân, hạn chế vi phạm pháp luật, đồng thời tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới quần chúng nhân dân.

Nhìn chung, các hình thức PBGDPL đã được chú trọng và tăng cường đổi mới theo hướng đa dạng, thiết thực với từng vùng, từng đối tượng, các phương tiện thông tin đại chúng đã tăng thời lượng phát sóng và mở rộng các chuyên trang, chuyên mục về pháp luật; các tài liệu pháp luật được phát hành ngày càng nhiều về số lượng, chất lượng được nâng lên.

Công tác PBGDPL cho đối tượng đặc thù

Công tác PBGDPL cho đối tượng đặc thù luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Các địa phương, cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý, theo dõi, giúp đỡ hoặc có liên quan đến các đối tượng đặc thù đã có những hình thức phổ biến giáo dục pháp luật phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao. Nội dung PBGDPL cho các đối tượng đặc thù phù hợp với từng đối tượng cụ thể, trong đó tập trung vào các lĩnh vực pháp luật về biển đảo, Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Lao động, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Người khuyết tật, Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), Luật Phòng, chống ma túy... Việc bảo đảm các điều kiện về nguồn lực cho công tác PBGDPL cho đối tượng đặc thù đã được quan tâm đầu tư, đã góp phần phổ biến, giáo dục kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến các đối tượng đặc thù trên địa bàn tỉnh để qua đó ngăn ngừa, đẩy lùi và tiến tới loại bỏ những hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng đặc thù; góp phần ổn định an ninh, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường

Trong giai đoạn 2017 đến 2021, công tác PBGDPL trong nhà trường đã được triển khai đầy đủ, kịp thời tới các phòng chức năng của Sở, các phòng GDĐT các huyện, thành phố và các CSGD qua các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện, triển khai tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ; chỉ đạo việc rà soát, củng cố, kiện toàn nguồn lực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác. Định kỳ thực hiện thanh kiểm tra lồng ghép trong kiểm tra công tác pháp chế, PBGDPL, đồng thời, xây dựng tiêu chí thi đua, khen thưởng về công tác pháp chế của ngành, trong đó chú trọng công tác triển khai thực hiện công tác PBGDPL trong nhà trường theo các nhiệm vụ trọng tâm đề ra trong Đề án“Nâng cao chất lượng công tác PBGDPL trong nhà trường” đến năm 2021”.

Việc triển khai các Chương trình, Đề án về PBGDPL

Công tác PBGDPL nói chung và triển khai thực hiện Chương trình, Đề án được quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc; các văn bản được ban hành tổ chức triển khai thực hiện tương đối kịp thời và có hiệu quả. Qua triển khai, các cấp, các ngành đã nêu cao vai trò, trách nhiệm trong công tác PBGDPL, xác định công tác PBGDPL là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Triển khai sâu rộng, toàn diện, đồng bộ các hình thức PBGDPL. Trong đó, chọn lọc, phát triển các mô hình, biện pháp PBGDPL hiệu quả, phù hợp với đối tượng, địa bàn và nhu cầu hiểu biết pháp luật của nhân dân đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân với pháp luật, góp phần tích cực trong công tác phòng, chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Nhiều đề án được tổ chức, thực hiện tốt, hiệu quả cao như: Đề án “Nâng cao chất lượng PBGDPL trong nhà trường”; Đề án “Tăng cường PBGDPL cho cán bộ, Nhân dân vùng biên giới”; Đề án nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho thanh, thiếu niên trên địa bàn tỉnh;....

Việc bố trí nguồn lực cho tổ chức thực hiện Luật PBGDPL

Hàng năm, Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp, đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện, tuyên truyền viên pháp luật cấp xã, hòa giải viên ở cơ sở thường xuyên được củng cố, kiện toàn theo hướng đảm bảo số lượng, chất lượng hoạt động và thường xuyên được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ PBGDPL, cung cấp tài liệu pháp luật nhằm nâng cao năng lực hoạt động, cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ PBGDPL trong tình hình mới. Đến nay, Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp tỉnh có 35 thành viên, toàn tỉnh có 61 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh; 188 báo cáo viên cấp huyện, có 1.717 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã và 3.550 tổ hòa giải với 21.088 hòa giải viên ở cơ sở. o cáo viên cấp tỉnh, cấp huyện đều có trình độ Đại học (chuyên ngành luật và chuyên ngành khác), am hiểu pháp luật, có kỹ năng truyền đạt, thường xuyên tự học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để thực hiện công tác PBGDPL; tuyên truyền viên pháp luật cấp xã thường xuyên tiếp xúc, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân từ đó chủ động phối hợp với chính quyền địa phương triển khai, thực hiện công tác tuyên truyền, PBGDPL đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng.  

Việc bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ PBGDPL, cung cấp tài liệu pháp luật nhằm nâng cao năng lực hoạt động cho đội ngũ làm công tác PBGDPL được thực hiện thường xuyên, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật được củng cố, kiện toàn, tăng về số lượng, từng bước nâng cao về chất lượng, cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ PBGDPL trong tình hình mới. Chỉ đạo Sở Tư pháp, các cơ quan, đơn vị địa phương biên soạn, phát hành các loại tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, đăng tải kịp thời các văn bản QPPL, tài liệu tuyên truyền trên trang PBGDPL tổng hợp của tỉnh phục vụ hoạt động của đội ngũ làm công tác PBGDPL và nhu cầu tra cứu tìm hiểu của người dân, doanh nghiệp.

HĐND và UBND tỉnh đã quan tâm dành nguồn kinh phí nhất định cho công tác PBGDPL. Thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác PBGDPL, UBND tỉnh tỉnh luôn khuyến khích và có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia thực hiện PBGDPL; huy động các nguồn lực xã hội đóng góp cho công tác PBGDPL. Các hoạt động tuyên tuyền, vận động xã hội hóa, hỗ trợ tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác PBGDPL được đẩy mạnh. Tuy nhiên đến nay hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn. 

Trong 10 năm qua, việc triển khai công tác PBGDPL nói chung và triển khai thực hiện Luật PBGDPL nói riêng đã tạo được những chuyển biến tích cực trên nhiều mặt trong lĩnh vực phổ biến, giáo dục pháp luật.

Một là, cấp ủy, chính quyền các cấp đã từng bước nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn về vị trí, vai trò, cũng như tầm quan trọng của công tác PBGDPL. Hầu hết, các cấp ủy Đảng nhất là các chi ủy, chi bộ đã xác định rõ công tác này là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức phong phú đa dạng. Vì thế, đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai và bảo đảm thực hiện. Qua theo dõi, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tổ chức quán triệt, phổ biến về các nội dung cơ bản của Luật PBGDPL và các văn bản liên quan. Đặc biệt, thực hiện trách nhiệm được Luật giao, mỗi khi Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết của HĐND; Quyết định, chỉ thị của UBND tỉnh mới được ban hành, đều được các cơ quan, đơn vị, địa phương tích cực tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ và nhân dân phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao, bảo đảm để đội ngũ cán bộ thi hành pháp luật đều nắm bắt được những điểm mới, sửa đổi, bổ sung, thay thế trong các văn bản để thi hành đầy đủ và áp dụng thống nhất.

Hai là, việc xây dựng thể chế, chính sách về PBGDPL trên địa bàn tỉnh được xây dựng hoàn thiện, đó là các quy định về kinh phí phục vụ, đảm bảo cho công tác PBGDPL. Ngoài ra, cùng với các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, các Chương trình, Đề án, Kế hoạch về PBGDPL của UBND tỉnh và nhiều văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện của các cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các hoạt động PBGDPL trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, từ sau khi Luật PBGDPL ban hành đã giúp các cơ quan, đơn vị, tổ chức và chính quyền các cấp có nhận thức rõ về công tác PBGDPL, xác định công tác PBGDPL là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm pháp lý của các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cũng là nhiệm vụ, trách nhiệm của toàn dân đó là tích cực học tập, tìm hiểu Hiến pháp và pháp luật; tuân thủ và chấp hành Hiến pháp và pháp luật của toàn dân.

Ba là, nguồn nhân lực thực hiện PBGDPL trên địa bàn tỉnh được củng cố, kiện toàn, chất lượng được nâng lên. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh.

Bốn là, UBND tỉnh thường xuyên cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật được HĐND, UBND tỉnh ban hành vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật. Các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh thường xuyên đăng tải toàn văn các văn bản pháp luật, các bài viết giới thiệu các văn bản pháp luật mới trên Cổng thông tin điện tử/Trang thông tin điện tử của cơ quan để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu. Ngoài ra, đã chỉ đạo tăng cường công tác PBGDPL trên các phương tiện thông tin truyền thông đại chúng như thực hiện chuyên mục “Chính sách mới”  phát hàng 05 số/tuần trên Đài phát thanh - Truyền hình tỉnh; chuyên mục văn bản mới trên Báo Nam Định, ngoài ra, từng chuyên trang, chuyên mục của Đài, Báo cũng lồng ghép nội dung tuyên truyền pháp luật phù hợp với nội dung đăng tải. Hiện nay, Sở Tư pháp thường xuyên đăng tải các thông tin pháp luật trên Trang thông tin điện tử của Sở nhằm tạo lên sự đa dạng, phong phú về chủng loại các thông tin pháp luật để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, khai thác và sử dụng...

Năm là, qua công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã góp phần từng bước nâng cao nhận thức về pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ đảng viên và nhân dân, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng.

Sáu là, Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương đã có sự chuyển biến và thực chất hơn, trong đó đã phát huy được lợi thế của các ngành, các cấp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đồng thời đã có sự lồng ghép trong tổ chức thực hiện để đảm bảo hiệu quả, tích kiệm.

Tuy nhiên bên cạnh đó công tác PBGDPL còn tồn tại một số hạn chế như: Một số quy định của Luật PBGDPL đã bộc lộ hạn chế, bất cập, thiếu chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm hoặc không thực hiện trách nhiệm được giao theo Luật; một số chế độ, chính sách chưa hợp lý nên chưa huy động được mọi nguồn lực xã hội tham gia; phân định trách nhiệm giữa các cấp, các ngành chưa rõ. Các Chương trình, Đề án về PBGDPL nhiều, mục tiêu lớn nhưng thiếu nguồn lực đảm bảo, nhất là tại các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách. Tình trạng trùng lắp mục tiêu, nhiệm vụ vẫn còn; chính sách xã hội hóa PBGDPL chưa được triển khai rộng rãi; chưa thu hút được nhiều nguồn lực hỗ trợ, tài trợ. Nội dung PBGDPL chưa đáp ứng đủ với nhu cầu, chưa gắn với trách nhiệm học tập tìm hiểu pháp luật và hoạt động tập huấn nghiệp vụ của cán bộ, công chức. Việc tuyên truyền, giải thích một số chính sách, quy định mới chưa được quan tâm đúng mức, nên hiệu quả chưa cao. Hình thức PBGDPL tuy có nhiều đổi mới song vẫn chưa theo kịp tình hình thực tiễn, nhất là ở cơ sở, một số nơi việc phổ biến giáo dục pháp luật còn nặng về phong trào, chưa chú trọng hiệu quả. Việc in ấn tài liệu, sách pháp luật, tờ gấp tuyên truyền chưa đáp ứng được yêu cầu, do số lượng còn hạn chế nên tài liệu đến tay người dân rất ít. Đội ngũ Báo cáo viên, Tuyên truyền viên pháp luật, do tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ chuyên môn, chưa đầu tư được nhiều thời gian cho công tác PBGDPL, tuy được bồi dưỡng về kiến thức pháp luật và nghiệp vụ PBGDPL, nhưng khả năng truyền đạt và kĩ năng cũng chưa cao nên cũng ảnh hưởng đến hiệu quả công tác PBGDPL. Một bộ phận người dân và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chưa có thói quen tích cực, chủ động tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật; trong khi đó, PBGDPL là hoạt động có tính xã hội rất cao, không phát sinh lợi nhuận nên rất khó thu hút sự hỗ trợ, tài trợ của tố chức, doanh nghiệp, cá nhân. Đối tượng được PBGDPL theo quy định tại Luật PBGDPL khó thực hiện, đặc biệt, là nạn nhân bị bạo lực gia đình, người khuyết tật, người đã chấp hành xong hình phạt tù, ... vì các đối tượng này họ sống trong mặc cảm, ít tiếp xúc với người xung quanh, nên gây khó khăn cho cán bộ khi tiếp xúc hoặc tập hợp riêng để PBGDPL…

Từ những tồn tại, hạn chế nêu trên, các đơn vị đã đưa ra những kiến nghị sau: Cần có chính sách phù hợp cho cán bộ chuyên trách làm công tác PBGDPL để khuyến khích động viên đội ngũ thực hiện PBGDPL; Hỗ trợ kinh phí cho các địa phương chưa tự cân đối được kinh phí cho công tác PBGDPL theo quy định của Luật PBGDPL; Tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trong việc xây dựng, triển khai các chương trình, đề án về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Đề nghị Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ có liên quan rà soát, sửa đổi Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP, ngày 27/01/2014 của liên Bộ Tài chính và Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước theo hướng tăng mức chi cho một số nội dung của công tác tuyên truyền, PBGDPL và chuẩn tiếp cận pháp luật tại cơ sở đảm bảo mức chi phù hợp với thực tế hiện nay; Thường xuyên mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ PBGDPL cho đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL. Biên soạn tài liệu tuyên truyền PBGDPL theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu để cung cấp cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh./.

 

Vũ Thùy Liên – Phòng PB-TDTHPL.

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Cơ quan thiết lập Trang TTĐT: Sở Tư pháp tỉnh Nam Định. Giấy phép số 01/GP-STTTT cấp ngày 31/01/2019
Địa chỉ: 325 Đường Trường Chinh - TP. Nam Định. Điện thoại: (0228) 3849381
Bộ phận cấp phiếu Lý lịch tư pháp: 0228.3636606; Phòng Công chứng số 1: 0228.3528096
Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản: 0228.3836335; Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước: 0228.3526669 
Designed by VNPT Nam Định
  
Chung nhan Tin Nhiem Mang