Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Một số văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực từ tháng 7 năm 2022
Lượt xem: 1533

1. Nghị định số 38/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động

Ngày 12/6/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/7/2022 và thay thế Nghị định số 90/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Nghị định này quy định mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Áp dụng cho đối tượng gồm: người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động; người sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động gồm doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp; cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận; các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thực hiện mức lương tối thiểu quy định tại Nghị định này.

Theo đó, mức lương tối thiểu tháng theo 4 vùng được xác định như sau:

- Vùng I tăng 260.000 đồng, từ 4.420.000 đồng/tháng lên 4.680.000 đồng/tháng.

- Vùng II tăng 240.000 đồng, từ 3.920.000 đồng/tháng lên 4.160.000 đồng/tháng.

- Vùng III tăng 210.000 đồng từ 3.430.000 đồng/tháng lên 3.640.000 đồng/tháng.

- Vùng IV tăng 180.000 đồng từ 3.070.000 đồng/tháng lên 3.250.000 đồng/tháng.

Như vậy, mức lương tối thiểu nêu trên tăng bình quân 6% (tương ứng tăng từ 180.000 đồng - 260.000 đồng) so với mức lương tối thiểu hiện hành.

Về mức lương tối thiểu giờ, Nghị định cũng quy định các mức lương tối thiểu giờ theo 4 vùng:

- Vùng I là 22.500 đồng/giờ;

- Vùng II là 20.000 đồng/giờ;

- Vùng III là 17.500 đồng/giờ;

- Vùng IV là 15.600 đồng/giờ.

2. Nghị định số 37/2022/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; trên các vùng biển, đảo, thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Ngày 6/6/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 37/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; trên các vùng biển, đảo, thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nghị định có hiệu lực từ ngày 22/7/2022.

Theo đó, Điều 1 của Nghị định số 37/2022/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu. Trong đó, quy định chi tiết và tăng nặng mức phạt đối với hành vi vi phạm quy định về kiểm tra, khám sức khoẻ thực hiện nghĩa vụ quân sự, vi phạm quy định về nhập ngũ, cụ thể:

Điều 6. Vi phạm quy định về kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong lệnh gọi kiểm tra hoặc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng (Theo quy định cũ phạt tiền từ 800.000-1.200.000 đồng đối với hành vi này).

2. Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi cố ý không nhận lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.

3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Người được khám sức khỏe có hành vi gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự;

b) Đưa tiền, tài sản, hoặc lợi ích vật chất khác trị giá đến dưới 2.000.000 đồng cho cán bộ, nhân viên y tế hoặc người khác để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của người được kiểm tra hoặc người được khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự.

4. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.

Điều 7. Vi phạm quy định về nhập ngũ

1. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng (Theo quy định cũ phạt tiền từ 1.500.000-2.500.000 đồng đối với hành vi này).

2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi gian dối nhằm trốn tránh thực hiện lệnh gọi nhập ngũ sau khi đã có kết quả khám tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự đủ điều kiện nhập ngũ theo quy định.

3. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện nghĩa vụ quân sự đối với người có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này.”.

3. Nghị định số 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế

Ngày 28/5/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Theo đó, Nghị định gồm 08 Chương, 76 Điều, quy định về phương hướng xây dựng, phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế; đầu tư hạ tầng, thành lập, hoạt động, chính sách phát triển và quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp, khu kinh tế.

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại khu công nghiệp, khu kinh tế.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/7/2022. Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 và khoản 4 Điều 74 của Nghị định này.

4. Nghị định số 20/2022/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 119/2015/NĐ-CP ngày 13/11/2015 của Chính phủ quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng

Ngày 10/3/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 20/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 119/2015/NĐ-CP ngày 13/11/2015 của Chính phủ quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/7/2022, các hợp đồng bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng, hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba đã giao kết trước ngày Nghị định này có hiệu lực được tiếp tục thực hiện theo quy định pháp luật tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm. Trường hợp sửa đổi, bổ sung hợp đồng bảo hiểm có nội dung sửa đổi, bổ sung được quy định tại Nghị định này thì thực hiện theo quy định tại Nghị định này.

Theo đó, Nghị định bổ sung quy định chi tiết về mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba trong xây dựng. cụ thể:

Đối tượng phải mua bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng quy định tại khoản 3 Điều 4 được sửa đổi, bổ sung như sau: “Nhà thầu thi công xây dựng phải mua bảo hiểm bắt buộc cho người lao động thi công trên công trường và bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba”.

Bổ sung quy định về thời hạn bảo hiểm đối với bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba vào sau khoản 3 Điều 5 như sau: “4. Thời hạn bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba là khoảng thời gian cụ thể, tính từ ngày bắt đầu đến ngày kết thúc thời gian xây dựng căn cứ vào hợp đồng xây dựng và được ghi trong hợp đồng bảo hiểm”.

5. Thông tư số 29/2022/TT-BTC của Bộ tài chính quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành kế toán, thuế, hải quan, dự trữ

Ngày 03/6/2022, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 29/2022/TT-BTC của Bộ tài chính quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành kế toán, thuế, hải quan, dự trữ. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 18/7/2022 và bãi bỏ Thông tư số 77/2019/TT-BTC ngày 11/11/2019 của Bộ Tài chính quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành kế toán, thuế, hải quan, dự trữ.

Theo đó, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng đối với các công chức chuyên ngành kế toán, thuế, hải quan đã có sự thay đổi. Thông tư 29 đã không còn yêu cầu phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với tất các vị trí.

Từ ngày 18/7/2022, công chức là kế toán viên, kiểm tra viên thuế, kiểm tra viên hải quan chỉ cần đảm bảo có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với công chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm.

6. Cấp hộ chiếu phổ thông mẫu mới cho công dân Việt Nam từ 1/7

Để triển khai Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, ngày 29/6/2021, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 73/2021/TT-BCA quy định về mẫu hộ chiếu, giấy thông hành và các biểu mẫu liên quan.  

Từ ngày 01/7/2022, Bộ Công an sẽ bắt đầu triển khai cấp hộ chiếu phổ thông mẫu mới cho công dân. So với mẫu hiện hành, mẫu hộ chiếu phổ thông mới có nhiều cải tiến. Mẫu hộ chiếu mới được thiết kế công phu, trên mỗi trang là hình ảnh tiêu biểu phong cảnh, hình tượng về chủ quyền quốc gia, di sản văn hóa nổi tiếng của đất nước như: Vịnh Hạ Long, Kinh đô Huế, Đền Hùng, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Bến cảng Nhà Rồng, Cột cờ Lũng Cú, cổng Tò Vò - Đảo Lý Sơn…, góp phần khẳng định và quảng bá những hình ảnh Việt Nam ra thế giới, thể hiện được truyền thống, lịch sử, địa lý, văn hóa Việt Nam. Hơn nữa, mẫu hộ chiếu phổ thông mới đảm bảo các kỹ thuật bảo an, khó làm giả.

7. Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non

Ngày 06/6/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/7/2022 và thay thế các Thông tư số 09/2020/TT-BGDĐT ngày 7/5/2020 ban hành Quy chế tuyển sinh trình độ đại học; tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non và Thông tư số 16/2021/TT-BGDĐT ngày 01/6/2021 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 09/2020/TT-BGDĐT ban hành Quy chế tuyển sinh trình độ đại học; tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non được ban hành tại Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT quy định, mức điểm ưu tiên áp dụng cho khu vực 1 (KV1) là 0,75 điểm, khu vực 2 nông thôn (KV2-NT) là 0,5 điểm, khu vực 2 (KV2) là 0,25 điểm; khu vực 3 (KV3) không được tính điểm ưu tiên.

Từ năm 2023, thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp./.

Vũ Thùy Liên – Phòng PB-TDTHPL

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Cơ quan thiết lập Trang TTĐT: Sở Tư pháp tỉnh Nam Định. Giấy phép số 01/GP-STTTT cấp ngày 31/01/2019
Địa chỉ: 325 Đường Trường Chinh - TP. Nam Định. Điện thoại: (0228) 3849381
Bộ phận cấp phiếu Lý lịch tư pháp: 0228.3636606; Phòng Công chứng số 1: 0228.3528096
Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản: 0228.3836335; Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước: 0228.3526669 
Designed by VNPT Nam Định
  
Chung nhan Tin Nhiem Mang